Cát cứ... du lịch

ANTĐ - Một kiến trúc sư thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị khẳng định, dọc những con đường ven biển miền Trung hầu hết đã bị chia lô để xây dựng khách sạn, resort, sân golf. Chủ đầu tư “cát cứ” một vùng biển riêng, du khách vào những nơi đó như một thế giới biệt lập trong ba bức tường, thậm chí không được bơi sang phần “lãnh hải” bên cạnh. Dân sở tại, du khách vãng lai nếu không có nhiều tiền không được hưởng gì hết, kể cả ngắm cảnh và tắm biển.

Chuyện này đã diễn ra từ lâu, ai cũng thấy nhưng hầu như chẳng mấy ai lên tiếng. Quá nhiều dự án du lịch tập trung dày đặc ở duyên hải miền Trung đến mức cung vượt quá cầu. Chỉ riêng Đà Nẵng hiện có tới 19 dự án, ven biển miền Nam có 17 dự án, đặc biệt chi chít liền kề tại Mũi Né có tới 68 resort.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, tình trạng đầu tư tràn lan các dự án du lịch nghỉ dưỡng cho thấy sự đầu tư thiếu cân đối, cơ cấu bất hợp lý, gây lãng phí tài nguyên đất đai, ven biển, mặt biển. Đến nay, hầu hết các khu vực đắc địa có thể khai thác du lịch dọc bờ biển nước ta đều nằm trong tay các doanh nghiệp. Không ít chủ đầu tư không có chiến lược đầu tư dài hơi, chỉ trông chờ giá đất lên cao là bán ngay cho đầu tư nước ngoài kiếm lời. Đáng chú ý là các dự án bất động sản du lịch đều “chiếm đóng” những bờ biển, bãi cát đẹp mê hồn, môi trường trong lành, gần gũi thiên nhiên, nhưng môi trường đang bị đe dọa, nước thải, chất thải gần như tống thẳng xuống biển... cho tiện.

Chính tình trạng “cát cứ” vùng biển, vùng đất của các nhà đầu tư đơn lẻ, trong khi thiếu quy hoạch tổng thể cho một vùng miền không thể tạo ra một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Khu nghỉ dưỡng, resort chen chúc chẳng khác gì những sạp hàng bán ngoài chợ, mặt hàng na ná như nhau, dịch vụ nhếch nhác giống nhau, trong khi đó lại thiếu vắng các khu vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn, nhất là tại các trung tâm đô thị nên không thể thu hút du lịch tiêu tiền, dẫn đến một số dự án xuống cấp, xập xệ, hoạt động thoi thóp không hơn gì các nhà nghỉ “công đoàn” trước đây. Cũng có một số khu du lịch, resort được gắn sao, đẳng cấp cao nhưng chỉ hợp túi tiền các “đại gia” hoặc khách VIP.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản du lịch Việt Nam thừa nhận, sự phát triển của nhiều tiểu phân khúc du lịch nặng tính tự phát, chưa có quy hoạch chi tiết dẫn đến nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí thu hút rất ít du khách. Nguyên nhân là đầu tư “ăn xổi”, dịch vụ yếu kém, nhất là chưa gắn kết giữa các dự án đầu tư du lịch với chương trình quốc gia xúc tiến du lịch và thực trạng. Mặc dù khách du lịch quốc tế vào nước ta tăng bình quân 11-11,5% (năm 2010 là 5 triệu lượt khách) song lượng khách qua đêm tại các khu du lịch resort khá vắng vẻ. Đó là chưa kể nhiều dự án đầu tư nước ngoài vốn rất “khủng” hàng tỷ USD ở Phú Yên, Quảng Nam đều bị thu hồi vì quá ì ạch.

Tình trạng “cát cứ” du lịch, mạnh ai nấy làm, dịch vụ quá kém thì khỏi phải bàn, đã thế lại còn cục bộ, bất hợp tác. Có nước nào như Việt Nam, đi du lịch nước ngoài lại rẻ hơn, sướng hơn du lịch trong nước? Có nước nào lắm lễ hội, sự kiện rườm rà như nước ta, tốn kém tiền bạc mà nội dung nghèo nàn với công thức: Sân khấu hóa, đọc báo cáo cộng với một tý ẩm thực và một tý thời trang?