- Ổ nhóm chuyên mua tài khoản ngân hàng cung cấp cho đường dây lừa đảo 80 tỷ đồng
- Bắt giữ đối tượng mua bán hàng trăm tài khoản ngân hàng
- Bóc gỡ ổ nhóm mua bán thông tin tài khoản ngân hàng
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa đưa ra cảnh báo nhằm giúp khách hàng tránh được những rủi ro từ hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, Vietcombank cho biết, qua quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an phát hiện các đối tượng gian lận hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ (thuê người khác mở, mua tài khoản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người khác) để thực hiện và che giấu các hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm:
Nhận tiền lừa đảo, gian lận, rửa tiền; Chuyển nhận tiền đánh bạc; Tài trợ khủng bố hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Các hành vi nêu trên đã được cơ quan chức năng cảnh báo rủi ro trong thời gian qua.
Để bảo vệ thông tin cá nhân của mình, tránh việc phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, Vietcombank khuyến cáo tới khách hàng: Không thực hiện hành vi bán, cho thuê, cho mượn tài khoản cá nhân; Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng, số thẻ tín dụng, mã CVV, ví điện tử và mã OTP cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào.
Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi mua bán, trao đổi trái phép thông tin tài khoản, khách hàng cần liên hệ ngay cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc liên hệ với hotline ngân hàng để được trợ giúp.
|
Ngân hàng khuyến cáo khách hàng không được mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản |
Trên thực tế, hành vi mua, bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng hiện nay diễn ra rất phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm liên quan đến lừa đảo, gian lận, đánh bạc… ngày càng phát triển, nhất là thông qua không gian mạng.
Các đối tượng mua - thuê tài khoản sẽ trả cho chủ tài khoản khoảng 500.000 đồng/tài khoản/tháng, và sẽ trả thêm tiền nếu có người chuyển tiền vào và chủ tài khoản rút tiền cho bọn chúng.
Cơ quan công an cũng từng có văn bản khuyến nghị người dân không mua, bán tài khoản ngân hàng. Cơ quan công an cho biết, hầu hết các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng lừa đảo thường sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để nhận tiền lừa đảo.
Đa số các tài khoản này là của người dân vì hoàn cảnh khó khăn hoặc bị dụ dỗ, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật...
Cơ quan Công an cũng đã triệt phá hàng loạt vụ án liên quan đến hành vi vi phạm này. Mới đây nhất, Công an tỉnh Lào Cai đã bắt giữ đối tượng Ninh Ngọc Khánh và Nguyễn Thị Ngà về hành vi “Mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.
Đối tượng này đã đứng ra thu mua các tài khoản ngân hàng với giá từ 200.000 đồng - 500.000 đồng, sau đó bán cho đối tượng khác với mục đích thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức đăng tuyển việc làm online trên mạng xã hội, tham gia giao dịch gói đầu tư tiền ảo...
Số tài khoản thu mua được các đối tượng bán cho đầu bên Campuchia. Tổng số tiền mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng khoảng 82 tỷ đồng.
Hay Công an tỉnh Hải Dương cũng vừa bắt Vũ Văn Linh (SN 1997, ở xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) có hành vi tàng trữ, mua bán hơn 150 tài khoản ngân hàng, cùng hơn 50 sim điện thoại đăng ký các tài khoản.
Thông qua mạng xã hội, Linh tạo các tài khoản ảo để tìm người mua tài khoản ngân hàng. Đến đầu tháng 12-2022, có một tài khoản nhắn tin qua Messenger cho Linh đặt vấn đề mua 70 tài khoản ngân hàng với giá 1,6 triệu đồng/tài khoản bao gồm: sim điện thoại đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thông tin đăng nhập internet banking, thẻ ATM của tài khoản và 100 tài khoản đăng ký Online bao gồm: sim điện thoại đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thông tin đăng nhập internet banking.
Đến ngày 9-12, Linh gom được 155 tài khoản ngân hàng, trong đó có 153 tài khoản ngân hàng của người khác, 2 tài khoản cá nhân của Linh…
Tại Nghị định 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi mua, bán, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng với các hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
Phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.