Cảnh giác thủ đoạn giả shipper lừa đảo, hack tài khoản người mua hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Không chỉ bị mất vài trăm nghìn đồng vì các đối tượng giả mạo người giao hàng nhanh với món hàng không có thật, mà người dân có thể còn là nạn nhân của một bẫy lừa đảo.

Đủ các chiêu lừa đảo

Mới đây, chị N.T.T ở quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, do có thói quen thường xuyên mua hàng online, nên khi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại nói là shipper giao đơn hàng có đơn 0 đồng, chỉ thanh toán phí ship 36.000 đồng.

Do đi vắng nên chị Thảo nhờ gửi ở lễ tân của toà nhà chung cư nơi chị ở và chuyển khoản cho shipper. Sau khi chuyển tiền, chị Thảo lại nhận được tin nhắn đã gửi nhầm số tài khoản thẻ hội viên “Giao Hàng Tiết Kiệm”, mỗi tháng tự động bị trừ 3.500.000 đồng từ tài khoản, nếu không có tiền sẽ bị nợ xấu. Muốn hủy phải ấn vào link các đối tượng gửi để hủy đăng kí tự động. Do nghi ngờ, chị T liên hệ tổng đài công ty vận chuyển để xác minh số điện thoại và phát hiện mình bị lừa, lập tức dừng mọi thao tác.

“Tôi cũng chủ quan và click vào cái đường link đó. Tôi đã làm theo hướng dẫn của đối tượng, điền đầy đủ thông tin để hủy lệnh đăng ký thành viên. Đến chiều tôi mới phát hiện tài khoản của mình bị trừ mất gần 10 triệu đồng. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa”, chị T kể lại.

Cơ quan công an cảnh báo, kẻ xấu cũng có thể giả danh người giao hàng, giao đơn hàng giả để chiếm đoạt tiền mua hàng.
Cơ quan công an cảnh báo, kẻ xấu cũng có thể giả danh người giao hàng, giao đơn hàng giả để chiếm đoạt tiền mua hàng.

Ngày 3/10, Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên cũng tiếp nhận tin trình báo của bà H (SN 1958, trú phường Bồ Đề, quận Long Biên) về việc bà bị đối tượng giả danh shipper lừa đảo gọi điện nhận hàng. Do không có nhà, nên bà đã chuyển khoản tiền hàng cho đối tượng. Tuy nhiên đối tượng gọi lại báo chưa nhận được tiền rồi hướng dẫn bà nhấn vào đường link đối tượng gửi. Khi làm theo hướng dẫn xong, bà H phát hiện 2 tài khoản ngân hàng bị mất gần 100 triệu đồng.

Cũng là người thường xuyên mua hàng trực tuyến, chị Q (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, để không bị mắc lừa, điều quan trọng là phải luôn đề cao cảnh giác. Như mới đây, nhờ cẩn trọng, chị đã phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của người giao hàng nhanh.

"Hôm đó, shipper gọi điện và chỉ nói tôi có đơn hàng. Tôi hỏi đơn hàng gì thì người đó trả lời rất lắp bắp. Tôi lại hỏi anh ở đơn vị vận chuyển nào thì họ trả lời là đơn vị mà tôi thường xuyên nhận hàng. Tôi được biết mỗi khu vực thường có 1 - 2 người giao hàng cố định. Vài phút sau, họ liên tục nhắn tin, gọi điện giục tôi chuyển tiền. Tôi nghi ngờ đây là đối tượng có dấu hiệu lừa đảo và tôi đã tắt máy, không chuyển tiền", chị Q chia sẻ.

“Bình cũ, rượu mới”

Dưới góc nhìn của các chuyên gia an ninh mạng, màn kịch lừa đảo trên đã được kẻ xấu dàn dựng và thực hiện từng bước. Các đối tượng lừa đảo đã gửi đường link, dẫn dụ nạn nhân truy cập vào website lừa đảo, có giao diện gần giống với website của đơn vị giao hàng. Đối tượng lừa đảo sẽ dẫn dụ nạn nhân điền các thông tin về mật khẩu, tài khoản, mã OTP. Những thông tin này sẽ được chuyển đến cho hacker để hacker tận dụng những thông tin này rút sạch tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Trong khi đó, Cơ quan công an nhận định, đây không phải là chiêu trò lừa đảo mới, giả shipper lừa đảo người mua hàng click vào đường link đăng ký thành viên Hội giao hàng thực chất là biến tướng của chiêu trò phát tán những tin nhắn như: thông báo tài khoản ngân hàng đang bị đăng nhập bởi một thiết bị khác, thông báo nhận được tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, hay thông báo trúng thưởng… Mục đích là để những người nhẹ dạ click vào những đường link có chứa mã độc.

"Vẫn là chiêu trò mạo danh cán bộ của các cơ quan chức năng tiếp cận, dẫn dụ, hoặc đe dọa người dân để người dân làm theo hướng dẫn của chúng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Tuy nhiên chiêu trò này đã tinh vi và nguy hiểm hơn do các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo", Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Long Biên, nhận định.

Trước thủ đoạn giả danh shipper giao hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa trực tiếp nhận hàng đã đặt; không nên chuyển tiền cho người lạ và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản. Tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo.

Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng. Khi bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân cần đến Cơ quan Công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ kịp thời.