Càng giấu, nợ càng xấu

ANTĐ - Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ lệ nợ xấu chiếm tới 8,6% tổng dư nợ tín dụng. Còn theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tính đến 31-3-2012 nợ xấu là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ. Vì sao con số lại chênh lệch lớn đến vậy?

Trong cuộc tọa đàm trực tuyến giữa các chuyên gia kinh tế vừa diễn ra tại Hà Nội, một chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, nợ xấu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân từ biến động thị trường, nhưng cũng có nguyên nhân sai lầm trong đầu tư. Vì vậy cần phân loại các loại nợ xấu và phân loại các doanh nghiệp để có phương án xử lý thích hợp.

Nguyên tắc hết sức cơ bản là, chỉ có thể xử lý những khoản nợ xấu nào của những doanh nghiệp còn có khả năng “cứu chữa” được. Một số khoản nợ xấu của cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân, nếu thiếu những yếu tố cơ bản thì dù có “phép màu” cũng không thể giải cứu nổi và phải chấp nhận phá sản. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, phá sản trong kinh tế thị trường là một sự “tàn phá sáng tạo”. Tức là sẽ có nhà đầu tư mới mua lại nhà xưởng, thiết bị và xây dựng một doanh nghiệp hoàn toàn mới.

Giải thích về hai con số nợ xấu khác xa nhau, theo Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước là do cách tính theo định tính và định lượng. Tuy nhiên, tại các tổ chức tín dụng, có một bộ phận không nhỏ cố tình giấu nợ xấu nhằm giảm số tiền phải trích lập quỹ dự phòng, làm chênh lệch báo cáo tài chính. Các tổ chức tín dụng báo cáo số nợ xấu chỉ có 117.000 tỷ đồng, trong khi số liệu của Ngân hàng Nhà nước nợ xấu hiện vào khoảng 202.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực về sản xuất, công nghiệp, xây dựng do chịu tác động lớn bởi thị trường bất động sản đóng băng.

Vài năm gần đây, mức tăng trưởng tín dụng khá cao, thậm chí có năm tăng trưởng đạt tới gần 30%. Các doanh nghiệp sử dụng vốn quá dễ dãi và không hiệu quả. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản “sa lầy”, nợ xấu từ cho vay “chôn” vào đây lên tới 12.000 tỷ đồng, chiếm 6,5% dư nợ cho vay bất động sản. Ngoài ra, cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán dư nợ còn khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 485 tỷ đồng. Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhận định, nếu dùng quỹ dự phòng rủi ro và xử lý số tài sản đảm bảo thì hoàn toàn có thể xử lý nợ xấu. Vấn đề là phải có định chế đặc biệt để xử lý.

Công khai nợ xấu là việc hết sức cần thiết. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nợ xấu của Việt Nam thực chất vẫn là một ẩn số. Ngay cả tỷ lệ 8,6% so với thông lệ quốc tế đã là rất cao. So sánh nợ xấu của nước ta tại thời điểm xử lý với một số nước khu vực, rồi nói vẫn an toàn là khập khiễng. Bởi vì “sức khỏe” của nền kinh tế nước ta khác với các nước khác. Càng giấu nợ, nợ càng xấu hơn.