Cần quy định nguyên tắc đặt tên khai sinh

ANTĐ - Thảo luận tại Quốc hội sáng 28-10 xung quanh dự thảo Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, đại đa số ý kiến các đại biểu đề nghị giữ nguyên Giấy khai sinh cho trẻ em và không nên cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi.

Việc cấp Giấy khai sinh đã được thực hiện ổn định từ nhiều năm nay

Giấy khai sinh là căn cứ của mọi giấy tờ

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, việc cấp Giấy khai sinh và Thẻ căn cước công dân hiện tồn tại hai luồng ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em  như quy định hiện hành. Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ việc cấp Giấy khai sinh, thay vào đó cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như trong dự án Luật căn cước công dân. UBTVQH cho rằng, đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc ra đời của một con người.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp Giấy khai sinh trong đó có ghi những thông tin cơ bản; Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý Nhà nước. Hơn nữa, việc cấp Giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc. Do đó, UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. 

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ em là cần thiết và phù hợp với Bộ luật Dân sự, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước cấp cho công dân khi ra đời, là căn cứ cho việc cấp Thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, do đó nên tiếp tục duy trì. Vấn đề là, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng khi người dân đến làm thủ tục tại các cơ quan hành chính phải mang bản sao giấy khai sinh.  

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Nhung (Thanh Hóa) phản ánh một thực trạng liên quan tới vấn đề khai sinh đang diễn ra trong trong đời sống. Đó là việc chọn tên xấu, tên ngoại lai, tên quá dài, quá phức tạp gây khó khăn trong quá trình sử dụng. ĐB đề nghị luật quy định nguyên tắc đặt tên và họ cho trẻ em phù hợp tập quán, tránh gây nên những bất ổn cho các em sau này. Còn ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng hiện chúng ta vẫn bỏ trống mảng thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi, trẻ chưa xác định được họ cha (mẹ), hay trẻ sinh ra có yếu tố nước ngoài. Thực tế mỗi năm có vài chục nghìn phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và các bà mẹ đưa con mình trở về Việt Nam ngày càng nhiều. Vì thế Luật cần bổ sung thêm quy định điều chỉnh đối với nhóm đối tượng này.

Tránh lãng phí và phiền hà

Xung quanh dự thảo Luật Căn cước công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc cấp Thẻ căn cước công dân ngay từ khi sinh ra và không cần cấp Giấy khai sinh. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cấp Thẻ căn cước cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để bảo đảm ổn định các thông tin nhân dạng của công dân; người chưa đủ 14 tuổi thì cấp Giấy khai sinh như hiện nay và quy định trong Luật hộ tịch.

ĐB Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) nhận định, bản chất Thẻ căn cước là ghi lại mọi đặc điểm nhân dạng của công dân, trong khi đó trẻ em từ khi khai sinh cho đến dưới 14 tuổi các đặc điểm nhân dạng thay đổi liên tục. Do đó, việc cấp căn cước công dân cho lứa tuổi này là lãng phí và không thực sự hiệu quả. Qua nghiên cứu quy định của các quốc gia trên thế giới về quản lý dân cư, họ cũng chỉ cấp cho công dân khi đủ 14 tuổi trở lên.  Vì vậy, không nên cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi mà chỉ cần Giấy khai sinh là đủ. Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng không nên cấp Thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi vì như vậy không đạt được đủ mục đích của việc chứng nhận căn cước. Khi làm căn cước, người dân lại phải mất công thực hiện thêm thủ tục gây ra sự phiền hà. Một số ĐB đề nghị cần quy định rõ cơ quan tổ chức nào được phép khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về căn cước để bảo vệ bí mật cá nhân.

Tin cùng chuyên mục