Cần những chế tài mạnh hơn

ANTĐ - Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đang triển khai nhiều mũi truy bắt Nguyễn Tuấn Minh, SN 1973, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến - Muaban24 (Công ty MB24) và điều tra, làm rõ những dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công ty này dưới hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng internet.

Lực lượng công an thu thập thông tin của người bị hại

ở trụ sở Công ty MB24, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội)


Chuốc họa vì những lời đường mật

Chiều 5-8, Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết một số diễn biến mới trong quá trình điều tra, làm rõ những sai phạm của Công ty MB24. Bước đầu, cơ quan công an xác định các đối tượng trong ban lãnh đạo của công ty này đều có trình độ, hiểu biết về công nghệ thông tin. Công ty đã tuyển chọn một số đối tượng có tài ăn nói để lôi kéo, thuyết phục những người không có công ăn việc làm, hoặc muốn kiếm được nhiều tiền trong một thời gian ngắn, tham gia kinh doanh trực tuyến dưới hình thức bán hàng đa cấp trên mạng internet.

Bằng “vũ khí” là sơ đồ bán hàng đa cấp với mức doanh thu lúc nào cũng tăng vọt, các nhân viên của Công ty MB24 đã dùng những lời đường mật như: Nếu tham gia kinh doanh với công ty, khách hàng sẽ được mua hàng trực tiếp của người sản xuất, không phải qua bất kỳ đối tượng môi giới hay trung gian nào, hoặc: Ai giới thiệu được nhiều người cùng tham gia mua “gian hàng”, sẽ được hưởng lợi nhuận cao từ những khoản chi “hoa hồng” béo bở. Nhằm lôi kéo được nhiều người tham gia, Công ty MB24 còn tuyên bố, đặc biệt quan tâm ưu đãi với những ai giới thiệu được hơn 100 người tham gia mua gian hàng, sẽ được hưởng chế độ “VIP” và “VIP lãnh đạo” với mức tiền lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. 

“Đối tượng Công ty MB24 nhằm vào để thuyết phục tham gia kinh doanh đa cấp chủ yếu là những thanh niên không nghề, hoặc học sinh, sinh viên ngoại tỉnh, đang học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, cũng có không ít bà con ở các vùng nông thôn hẻo lánh, do thiếu hiểu biết về công nghệ tin học và kinh doanh nên đã bị công ty này dụ dỗ tham gia mua các “gian hàng” trên mạng internet để rồi dở khóc, dở cười, chuốc họa vào thân” - Thượng tá Nguyễn Văn Tính cho biết. 

Người dân cần cảnh giác

Trao đổi với một số chuyên gia kinh tế nghiên cứu trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), chúng tôi được biết đa số những người tham gia kinh doanh đa cấp trên mạng internet với Công ty MB24 đều chỉ hiểu lơ mơ, thậm chí có người không hiểu biết một chút gì về TMĐT. Họ chỉ tham gia bởi nghe theo những lời tư vấn “sẽ kiếm cả trăm triệu đồng trong một thời gian ngắn” của các “tuyên truyền viên” công ty này.

Chính vì sự hiểu biết mù mờ này, nhiều người đã mắc bẫy của Công ty MB24. Trên thực tế, trong số hơn 1.000 “gian hàng” trên mạng internet của Công ty MB24, chỉ có 5% “gian hàng” là có sản phẩm thật, nhưng cũng chỉ gồm thẻ điện thoại, thắt lưng hoặc một số mặt hàng vặt vãnh khác… còn lại 95% “gian hàng” không hề có bất cứ một loại mặt hàng gì?! Thế nhưng, Công ty MB24 vẫn đẩy những khoản tiền “ảo” vào các “gian hàng” với số vốn lên tới hàng tỷ đồng để lừa bịp người mua. Như vậy, đa số thành viên tham gia với Công ty MB24 chủ yếu là để kiếm tiền “hoa hồng”, chứ không hề mua bán gì trên đó.

Theo phân tích của một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, mô hình kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, phù hợp với sự phát triển của thời đại. Với Việt Nam, mô hình kinh doanh này đã bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để làm sai, gây thiệt hại về kinh tế cho phía bị hại, ảnh hưởng đến tình hình ANTT.

Về trường hợp Công ty MB24, luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự - Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá: “Doanh nghiệp này đã đăng ký với Bộ Thông tin - Truyền thông để thành lập trang web “Muaban24”, nhưng các loại hàng hóa trên đó lại chưa được Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương) cấp đăng ký, nên không được phép mua bán. Rõ ràng, việc một trang web lập ra và được phép giao dịch mua bán chỉ là phương tiện để trao đổi hàng hóa, còn những mặt hàng muốn kinh doanh trên đó phải được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký mới hợp lệ”. Tuy nhiên, việc được cấp phép hay không thì những người tham gia mua “gian hàng” trên mạng internet cũng khó nhận biết được, bởi họ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt là khoản “hoa hồng” mỗi khi giới thiệu thêm được một người tham gia mua “gian hàng”.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn những hình thức kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT và các nhà làm luật nghiên cứu, sớm ban hành những chế tài mạnh hơn, nhằm xử lý nghiêm khắc các đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trên mạng internet để kiếm lời bất chính. Đối với người dân, đừng quá tin vào những lời tuyên truyền, quảng cáo về kinh doanh đa cấp trên mạng internet, mà cần phải nghiên cứu kỹ về nó trước khi tham gia, tránh sa vào những cái bẫy của tội phạm lợi dụng công nghệ cao để phạm tội. 

Kinh doanh đa cấp sẽ chấm dứt?

Bộ Công Thương vừa lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định về Thương mại điện tử gồm 7 chương, 81 điều. Tại Điều 4 của Dự thảo Nghị định nêu rõ các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam trong đó có việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thông qua một mạng lưới kinh doanh, tiếp thị mà mỗi người tham gia phải đóng một khoản ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới.

Ngoài ra, dự thảo cũng nghiêm cấm việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh… Loại hành vi này cùng những vi phạm nghiêm trọng khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Còn đối với vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử, đó là việc thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử, lấy cắp hoặc sử dụng trái phép mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng của các thương nhân, tổ chức, cá nhân giao dịch trên website thương mại điện tử.

Luật bất cập, doanh nghiệp thi nhau “lách”
Theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, việc ban hành Luật Cạnh tranh năm 2004, Nghị định 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp và Thông tư số 19/2005/TT-BTM của Bộ Thương mại hướng dẫn nội dung của Nghị định 110/2005/NĐ-CP đã thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, các văn bản này còn tồn tại nhiều vấn đề.

Pháp luật chưa quan tâm đến việc truy cứu trách nhiệm của những người tham gia trong chuỗi các cấp bán hàng khi có hành vi vi phạm mang tính hệ thống. Cơ chế hoạt động của mạng lưới bán hàng đa cấp có đặc thù là những người tham gia ở các cấp khác nhau có mối liên hệ về tổ chức, hoạt động và lợi ích với nhau. Mặc dù người tham gia luôn có vị trí độc lập trước doanh nghiệp và người tham gia khác, song thực chất sự liên kết nói trên đã tạo ra khả năng phối hợp hoạt động và chia sẻ lợi ích giữa các cấp bán hàng. Trên cơ sở đó, có thể xuất hiện hành vi vi phạm có tính hệ thống của cả mạng lưới bán hàng.

Bên cạnh đó, hiện còn tồn tại hiện tượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp song không tiến hành đăng ký. Trong khi đó, theo Nghị định 110, cơ quan quản lý chỉ có thẩm quyền kiểm tra những doanh nghiệp đã được cấp giấy đăng ký bán hàng đa cấp. Mặt khác, tính chất bán hàng theo kiểu rỉ tai và sự độc lập của người tham gia đôi khi trở thành lá chắn cho doanh nghiệp bởi sự phân tán và đơn lẻ trong hoạt động của người tham gia sẽ giúp doanh nghiệp tẩu tán bằng chứng. Khi đó, việc tìm kiếm bằng chứng về hoạt động đa cấp bất hợp pháp là khá khó khăn.