Thiếu nhân lực ngành y là có thật và phải bổ sung bằng gia tăng đào tạo là hợp lý. Song, đào tạo lại đòi hỏi thời gian dài nhất và điều kiện đặc biệt. Phải mất 6 năm học để có bằng bác sỹ, nhưng chưa làm việc được ngay mà phải học thêm chuyên khoa từ 1-2 năm. Tất cả là 8 năm mới có thể tạm vững tay để vào nghề. Chương trình đào tạo đặc thù của ngành y gắn với chương trình thực hành trong phòng thí nghiệm, bệnh viện… liên quan đến cơ sở vật chất. Do đó, không phải trường nào cũng có thể đào tạo ngành y.
Trước đây chỉ trường công lập mới được đào tạo, từ khi xã hội hóa giáo dục, nhiều trường tư cũng nhảy vào, trường ngoài công lập đào tạo đa ngành mở thêm ngành y, thậm chí đại học quốc gia cũng ra đời khoa y - dược. Một bác sỹ chủ nhiệm bộ môn của một trường đại học y khoa từng thốt lên rằng, đào tạo nghề y không khác gì nghề sửa vi tính, đồng hồ… Họ thấy đào tạo “dễ ăn” nên ai cũng lao vào chẳng cần biết y khoa là một ngành nghề đặc biệt.
Dư luận đã nhiều lần đề cập tình trạng xuống cấp đào tạo trong các trường y cả công lẫn tư. Chuẩn mực đầu vào mỗi nơi mỗi khác, chương trình giảng dạy ngoài tầm kiểm soát, chất lượng đầu ra “lập lờ”. Sinh viên cầm bằng tốt nghiệp đi xin việc nhiều bệnh viện lắc đầu không dám nhận. Không ít bác sỹ “nhảy” vào phòng khám tư, thậm chí đi làm trình dược viên. Chất lượng nguồn nhân lực ngành y “ra lò” từ những cơ sở đào tạo sơ sài, thiếu thốn phòng thí nghiệm, thực hành, kiểm nghiệm… mà hàng năm vẫn cho ra trường hàng chục bác sỹ đa khoa, hàng trăm y sỹ, dược sỹ trung cấp, điều dưỡng viên.
Chính suy nghĩ thiển cận “bóc ngắn, cắn dài” và lợi ích riêng tư đã phá hỏng chủ trương xã hội hóa trong đào tạo ngành y, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Hơn thế, cái giá phải trả còn lớn hơn nhiều. Hàng loạt các ca tai biến y khoa khiến người bệnh “oan gia”, thậm chí tử vong. Một số bác sỹ đầu ngành đã gióng lên hồi chuông cấp báo một số lĩnh vực đào tạo y khoa ở nước ta xa lạ với thế giới. Kiểu đào tạo dễ dãi, đào tạo “tay ngang” nên học xong không thành thầy thuốc mà chỉ là “thợ” thuốc.
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo: không thể “cơm chấm cơm”, nhiều nơi không đủ thầy thuốc giảng dạy, thiết bị cho thực tập, thiếu cơ sở thực hành nhưng vẫn đào tạo tràn lan. Cần mạnh tay siết chặt đào tạo ngành y không để tiếp tục “loạn” đầu vào - đầu ra.