Cân nhắc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu xe

ANTĐ - Báo ANTĐ số ra ngày 31-10 có bài “Phí sử dụng đường bộ chưa hợp lý” bàn về  dự thảo Thông tư hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện của Bộ Tài chính. Chiều 31-10, bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) có cuộc trao đổi với PV ANTĐ xung quanh vấn đề này.

- PV: Theo dự thảo Thông tư, từ 1-1-2013, chủ các loại phương tiện ô tô, xe máy đều phải đóng phí sử dụng đường bộ. Theo ông, quy định trên có phù hợp và khả thi?

- Ông Nguyễn Văn Phúc: Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc thu phí sử dụng đường bộ nhằm lấy nguồn cho quỹ bảo trì, sửa chữa đường bộ. Về nguyên tắc, tôi ủng hộ quan điểm này bởi sử dụng dịch vụ thì phải đóng góp. Tuy nhiên, cần phải quy định làm sao cho hợp lý, hợp pháp. 

Qua nghiên cứu, so sánh giữa Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ của Chính phủ năm 2012 cũng như dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính, tôi thấy giữa Luật và Nghị định, Thông tư không thống nhất. Cụ thể, trong Luật Giao thông đường bộ quy định rõ, nguồn hình thành Quỹ bảo trì đường bộ đầu tiên là do Ngân sách Nhà nước phân bổ hàng năm, thứ 2 là các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong Nghị định và Thông tư năm 2012 lại quy định: Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Ngân sách Nhà nước chỉ cấp bổ sung hàng năm cho Quỹ, cuối cùng là các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Tôi cho rằng, Thông tư, Nghị định phải bám sát Luật, trong trường hợp này cách viết khác nên bản chất của nó cũng đã khác đi.

Việc thu phí trên đầu xe khó đảm bảo công bằng cho các phương tiện ít sử dụng

- Nhiều người lo ngại việc thu phí sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên đầu xe sẽ gây thiếu công bằng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Đúng là cần phải cân nhắc kỹ. Để người tham gia giao thông đóng góp vào quỹ bảo trì đường có nhiều nguồn, hoặc từ thu phí sử dụng hoặc thu thuế. Trong Nghị định dùng từ “phí sử dụng”, như vậy có nghĩa chỉ những phương tiện cơ giới tham gia giao thông thì mới phải nộp phí. Còn nếu người ta mua một chiếc xe nhưng để đó, không tham gia giao thông mà vẫn thu phí của họ (theo đầu xe) thì lúc đó bản chất lại là thu thuế xe chứ không phải phí. Tôi tán thành quan điểm, xe nào tham gia giao thông phải nộp phí còn không tham gia thì không nên thu. Ngay cả việc tham gia ít hay nhiều cũng cần phải tính toán mức thu phù hợp, nếu không sẽ tạo ra sự thiếu công bằng. Còn làm sao để quản lý được, đó là nhiệm vụ của các cơ quan giám sát, các giải pháp kỹ thuật. Theo tôi, nên thu theo số kilômét trên đồng hồ xe.

Về đối tượng nộp phí, tôi cho rằng không nên thu phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy, xe đạp điện. Còn nhớ trước đây chúng ta cũng đã từng thực hiện thu phí cầu đường với xe máy nhưng sau đó bỏ quy định này vì chi phí chi trả cho đội ngũ làm nhiệm vụ thu phí còn cao hơn cả số phí thu được. 

- Nếu triển khai thu phí bảo trì đường bộ, liệu dịch vụ, chất lượng đường bộ có được nâng lên?

- Nói về cái này thì rất vô cùng. Điều quan trọng là phải tiếp tục giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo sao cho việc thu phí hợp lý và chất lượng dịch vụ phải tương xứng.

- Cảm ơn ông!