Cần có một đạo luật rõ ràng

ANTĐ - Xung quanh Đề án tái cấu trúc nền kinh tế và những biện pháp khắc phục nhược điểm của các tập đoàn như Vinalines và Vinashin, ông Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với báo chí, bên lề phiên thảo luận ở tổ hôm qua (24-5).

- PV: Ông đánh giá như thế nào về chế định trách nhiệm, từ “sự cố” do các tập đoàn Vinashin và Vinalines gây ra?

- Ông Trần Du Lịch: Còn nhiều lỗ hổng và phải sớm có đạo luật xử lý những việc tương tự. Ở một số quốc gia cũng có các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước, thậm chí có những tập đoàn quốc doanh rất lớn như ở Singapore, Malaysia, Pháp và đa số ở các công ty này, điều lệ được ban hành dưới hình thức một đạo luật. Bất cứ vấn đề gì liên quan đều đưa ra Quốc hội giám sát. Theo tôi, trước mắt chưa thể làm đạo luật về điều lệ của một vài tổng công ty, tập đoàn Nhà nước thì cũng cần có một đạo luật chung mà tiến tới lâu dài, khi xây dựng một số tập đoàn hoạt động quy mô quốc gia, quốc tế, thì điều lệ của nó phải là đạo luật và được giám sát chặt chẽ.

- PV: Bộ Tài chính vừa trình cơ chế giám sát chặt chẽ về tài chính của cả doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch thông tin. “Liều thuốc” này có đủ sức mạnh để ngăn chặn những sai phạm như đã xảy ra tại các tập đoàn Vinashin và Vinalines?

- Ông Trần Du Lịch: Hiện nay, chủ trương Chính phủ trước khi làm luật sẽ ban hành một số nghị định, quy định. Quan điểm của tôi lại khác, bởi nếu một vấn đề nào đó trước khi được đưa ra mà thí điểm bằng một nghị định, một quyết định của Chính phủ thì tầm pháp lý hay mức độ hiệu lực của nó hoàn toàn khác với một đạo luật. 

- PV: Theo ông, Đề án tái cấu trúc nền kinh tế mà chính phủ vừa trình liệu có khắc phục được những nhược điểm của các tập đoàn như Vinalines và Vinashin?

- Ông Trần Du Lịch: Tôi cho rằng, vấn đề căn cơ nhất hiện nay là phải giải quyết rõ ràng mọi vấn đề, bằng cách đánh giá từng tổ chức kinh tế Nhà nước, để biết nó ra đời và tồn tại vì mục đích gì. Chẳng hạn như tôi lập một tổng công ty hay tập đoàn về lĩnh vực nào đó, thì nhiệm vụ không phải là đi kiếm nguồn lợi tài chính, mà là thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và bổ khuyết các khuyết tật của thị trường. 

- PV: Xin ông giải thích rõ hơn vấn đề này?

- Ông Trần Du Lịch: Chúng ta quen phê phán tổng công ty Nhà nước, nhưng ít người đặt vấn đề về cơ chế tài chính rất nghiệt ngã. Do vậy, phải làm rõ mục đích lập các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để làm gì và phải rất cụ thể từng vấn đề. Từ cơ sở đó xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả, chứ không thể chung chung tập đoàn, tổng công ty nào cũng lấy tài chính ra, trong khi Nhà nước lập ra không vì mục tiêu tài chính. Tất cả  vốn đầu tư chủ sở hữu hiện nay không tính đất đai cũng vài ba chục tỷ USD, nhưng Nhà nước có lấy xu lợi nhuận nào đâu mà hàng năm phải lấy vốn ngân sách ra giải quyết?! 

- PV: Vậy, tại sao từ doanh nghiệp lại có mục tiêu lợi nhuận? 

- Ông Trần Du Lịch: Tất nhiên chúng ta phải rõ ràng, làm cái gì thì cũng phải có hiệu quả, nhưng hiệu quả kinh tế hay xã hội cũng đều phải minh bạch. Ví dụ: Ngành cơ khí không hấp dẫn đầu tư, thu hồi chậm. Vậy, nhiệm vụ đặt ra cho ngành cơ khí là gì? - Không đặt ra mục tiêu lợi nhuận cao thì cũng phải tạo được những sản phẩm cơ khí cho nền kinh tế. Vấn đề tiêu chí là khi đã tạo ra bao nhiêu sản phẩm, phải xem đầu tư sẽ thu hút bao nhiêu doanh nghiệp đi theo, chứ không phải tiêu chí được lợi bao nhiêu.