Cần cơ chế đặc thù, chú trọng từng yếu tố kỹ thuật và cảnh quan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Về nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định sự cần thiết đầu tư dự án và góp ý nhiều vấn đề quan trọng để dự án sớm đi vào hiện thực.

* Phải có quy hoạch tổng thể mỹ học cả tuyến đường

Khoảng 10 năm gần đây, các con số dự báo của ngành giao thông về lượng xe đều bị “chật”, có công trình vừa hoàn thành đã mãn tải. Do đó, cần đánh giá kỹ dự báo tốc độ phát triển để giải bài toán về quy mô kỹ thuật, phân kỳ đầu tư cho hợp lý. Đây là đường cao tốc trong đô thị, yếu tố quy hoạch cảnh quan rất quan trọng. Vai trò của tuyến đường phải tôn lên vẻ đẹp đô thị, hài hòa với kiến trúc các công trình khác nên yêu cầu phải cao hơn. Cần có quy hoạch tổng thể về mỹ học của cả tuyến đường để hài hòa với cảnh quan. Sau khi dự án tiền khả thi được phê duyệt, cần tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc với từng hạng mục cụ thể như nút giao, các đoạn đi thấp, các trạm dừng nghỉ… Tôi kiến nghị, với dự án cao tốc cần tách ra thành 2 hoặc 3 dự án khi triển khai thực hiện. Tách các phần các tỉnh ra thành các dự án khác để giảm tải đầu tư ban đầu cho Hà Nội và tiện lợi cho các tỉnh trong việc giải phóng mặt bằng.

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam

* Cần siết chặt mật độ xây dựng ngay từ đầu

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có 5 nút giao với cao tốc, 3 nút giao với quốc lộ, từ bài học của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tôi cho như vậy là hơi căng thẳng và cần phải bổ sung các nút giao ở phía Nam. Dự án cũng cần chú ý tính toán kỹ các nút vào ra cao tốc, kết nối với các đường song hành. Mật độ xây dựng, dân số quanh tuyến đường này phải tính toán kỹ và siết chặt ngay từ đầu. Nếu không, các chủ đầu tư khi có đất rồi muốn làm gì thì làm sẽ khiến chúng ta rất vất vả. Cứ để tình trạng xây dựng chằng chịt thì sẽ không còn cảnh quan.

PGS.TS Tống Trần Tùng - Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Bộ Giao thông vận tải

* Nên có phương án thoát nước sớm

Chúng ta đang băn khoăn tính toán việc đi cao hay đi thấp, theo tôi, với tình hình giao thông hiện tại cần điều chỉnh đi cao càng nhiều càng tốt. Bởi nếu không tính sẽ không thể khống chế được xung đột giao thông. Các tuyến vòng đai lớn phải bố trí đường gom liên tục. Sau phần tổng thể cần tính toán ngay đến phương án thoát nước từ bây giờ. Tính kỹ thoát nước cục bộ, phải cho thoát nước ngoài khu vực dự án, làm rõ thoát đi đâu chứ không để ảnh hưởng đến người dân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tính toán sắp tới, khi có đường sắt cao tốc Bắc -Nam thì lưu lượng được chia sẻ thế nào để tránh lúng túng về sau.

PGS.TS Hoàng Hà - Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam

* Cân nhắc có nút giao nhiều tầng

Dù trong thời gian ngắn, nghiên cứu tiền khả thi của thành phố đã làm rõ các câu hỏi của Hội đồng thẩm định. Sự cần thiết đầu tư dự án đều được các chuyên gia đồng tình bởi phù hợp với các quy hoạch. Tôi đồng tình việc chia làm 3 dự án, quy mô được tính toán phù hợp. Về việc phân kỳ dự án cần cần nhắc kỹ, trong 7 - 8 năm đầu tư tiến độ được đảm bảo ra sao? Các nút giao nhiều tầng sẽ làm thế nào để đảm bảo không ùn tắc về lâu dài? Việc khai thác đô thị 2 bên tuyến đường cần làm rõ giá trị nguồn thu là bao nhiêu? Ngoài ra, chúng ta cũng cần chỉ định thầu chọn các tư vấn mạnh nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam

* Đề xuất cơ chế huy động nguồn lực

Dù được thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng nghiên cứu tiền khả thi đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đưa ra cơ bản đầy đủ luận cứ, tư liệu. Tờ trình cũng như nội dung dự án nên bám sát với nội dung Nghị quyết 06-NQ/TW do Bộ Chính trị vừa ban hành về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển hạ tầng dùng chung giữa các đô thị để thúc đẩy quá trình kết nối, trong đó đô thị động lực vùng Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng. 8 nhóm kiến nghị trong nghiên cứu nêu là phù hợp và phải có sự quyết liệt trong chỉ đạo. Cần phải có cơ chế thực sự đặc thù vượt trội để xử lý vấn đề này. Chúng ta cũng cần đề xuất thêm một số chủ trương về cơ chế huy động nguồn lực phục vụ dự án từ nguồn lực từ quỹ đất dọc tuyến, các khu công nghiệp để phục vụ chính dự án quan trọng này.

TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương