Cận cảnh hoạt động trục vớt xác khinh khí cầu Trung Quốc của Hải quân Mỹ

ANTD.VN - Hải quân Mỹ ngày 7-2 công bố hình ảnh trục vớt xác khinh khí cầu của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina sau khi bắn hạ nó vào cuối tuần qua.

Các thành viên thuộc Đội xử lý vật liệu nổ 2, Hải quân Mỹ, trục vớt xác khinh khí cầu tầm cao của Trung Quốc

Khinh khí cầu này đã bị chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi trên vùng lãnh hải của Mỹ ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, vào chiều 4-2-2023 (theo giờ địa phương)

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ hôm 6-2 đã áp đặt một khu vực an ninh tạm thời ở vùng biển ngoài khơi Nam Carolina trong quá trình quân đội tìm kiếm các mảnh vỡ của khinh khí cầu này

Theo các quan chức Mỹ, xác khinh khí cầu có kích thước 1.500 m2, trong khi trọng tải của nó nặng hơn 1 tấn

Trước đó, CNN hôm 4-2 dẫn lời một quan chức quốc phòng nói rằng, xác và mảnh vỡ của khinh khí cầu sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở Quantico, bang Virginia, để các chuyên gia FBI và cơ quan tình báo phân tích

Khinh khí cầu này lần đầu tiên bay vào vùng nhận dạng phòng không của Mỹ ngày 28-1, bay vào không phận Canada 3 ngày sau đó, rồi bay trở lại không phận Mỹ vào ngày 31-1-2023

Theo NHK, khinh khí cầu nói trên đã bay qua bang Montana ở phía Tây nước Mỹ. Montana có Căn cứ Không quân Malmstrom, là nơi đặt các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3-2 thông báo sự xuất hiện của một khinh khí cầu dân sự của nước này trong không phận Mỹ là do bất khả kháng, ngoài ý muốn. Tuyên bố này khẳng định đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng, do ảnh hưởng của gió Tây ôn đới và khả năng tự điều khiển hạn chế, nó đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu vào hôm 1-2. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã khuyến nghị nên đợi cho đến khi có thể thực hiện hoạt động này trên mặt nước để bảo vệ dân thường khỏi các mảnh vỡ rơi xuống Trái đất từ độ cao hàng nghìn mét

Nhiều máy bay chiến đấu và máy bay tiếp nhiên liệu đã tham gia vào nhiệm vụ này, nhưng chỉ một chiếc máy bay chiến đấu F-22 Raptor thực hiện vụ bắn hạ, sử dụng một quả tên lửa AIM-9X

Các quan chức cho biết, khinh khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng 6 hải lý, trên vùng nước tương đối nông, có khả năng hỗ trợ nỗ lực khôi phục các bộ phận chính của thiết bị này từ các mảnh vỡ

Người dân Mỹ chăm chú theo dõi vụ việc

Vụ bắn hạ diễn ra ngay sau khi Chính phủ Mỹ ra lệnh tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ ba sân bay ở Nam Carolina - bao gồm Wilmington, Myrtle Beach và Charleston - do vấn đề “an ninh quốc gia”. Các chuyến bay đã được nối lại vào chiều 4-2

Trung Quốc cho rằng, việc sử dụng vũ lực đối với khinh khí cầu “rõ ràng là phản ứng thái quá”. Tân Hoa xã ngày 6-2 đưa tin, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong hôm 5-2 đã trao công hàm cho Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc để phản đối việc “Mỹ sử dụng vũ lực tấn công khinh khí cầu dân sự không người lái của Trung Quốc”. Ông Tạ Phong cũng hối thúc Mỹ không làm leo thang căng thẳng hoặc tiếp tục thực hiện hành động gây tổn hại cho các lợi ích của Trung Quốc

Phát biểu với báo giới hôm 6-2, Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông John Kirby nói rằng Mỹ không có kế hoạch trả lại khinh khí cầu cho Trung Quốc. Ông Kirby cho biết, Mỹ đã giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp

Theo ông Kirby, không có gì thay đổi trong quan điểm của Tổng thống Joe Biden rằng mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc là rất quan trọng, cũng như việc ông tiếp tục coi đó là một cuộc cạnh tranh chiến lược

Ông Kirby cũng cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tìm cách lên lại lịch chuyến đi Trung Quốc đã bị hoãn của ông