Cái tài của người làm "sống lại" nhà gỗ truyền thống

ANTĐ - KTS Nguyễn Giang quyết tâm dựng lại những căn nhà gỗ theo lối truyền thống. Một phần muốn cứu lấy nghề mộc đang dần mai một ở quê hương, một phần anh muốn lưu giữ những tinh hoa của nhà gỗ truyền thống.

Tinh hoa truyền thống Bắc bộ

Vốn xuất thân là một thợ mộc ở Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội - làng nghề lâu đời nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ, sau nhiều năm bươn chải, KTS Nguyễn Giang quyết tâm dựng lại những căn nhà gỗ theo lối truyền thống. Nhưng anh không “ôm” khư khư cái cũ, mà đi một con con đường riêng - làm cho cái cổ trở nên phù hợp với đời sống hiện đại. 

Cái tài của người làm "sống lại" nhà gỗ truyền thống ảnh 1

Nếu như nhà gỗ truyền thống ở các vùng nông thôn Việt Nam thường là nhà gian, có khu vệ sinh, bếp tách biệt với phòng ở thì anh lại tích hợp những công năng đó vào trong một căn nhà, giúp chủ nhân cảm thấy thoải mái, thuận tiện nhất. Dưới bàn tay thiết kế của anh, rất nhiều ngôi nhà gỗ theo lối truyền thống đã được dựng lên ở Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa… cho đến các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, những công trình đặc sắc nhất gắn với thương hiệu “Gỗ Giang” mà anh xây dựng là những căn nhà truyền thống Bắc bộ. Anh cho biết, khác với nhà gỗ ở miền Trung thường có những đường nét rất thoát, thanh mảnh, nhà miền Bắc đi theo lối vững chãi, chắc chắn. Tuy vậy, kiến trúc bên trong nhà rất tinh tế chứ không hề thô, cứng, điển hình là nhà “kẻ chuyền” với phần đỡ kết cấu mái uốn lượn liên tiếp, tạo thành những đường nét mềm mại. Hệ thống mái được thiết kế có độ dốc phù hợp với địa hình, khí hậu từng vùng miền, nhất là những vùng thường xuyên hứng chịu mưa bão, lũ lụt. Phần tường có thể được xây bằng đá ong nhiều lớp, vừa ấm áp vào mùa đông, vừa cách nhiệt vào mùa hè. 

Nhà bảo tồn chuyên nghiệp

Dựng một căn nhà gỗ, nhất là nhà gỗ truyền thống vùng Bắc bộ - cái nôi văn hóa của người dân đất Việt quả thực rất kỳ công. Từ những phần kiến trúc lớn như mái ngói cho đến từng cái cột, những đường nét chạm trổ, tất cả đều thuộc về sự sáng tạo của người kiến trúc sư. Cái “tài” của KTS Nguyễn Giang là anh rất chịu khó đưa những hoa văn, họa tiết dân gian thuần Việt vào trong kết cấu, nội thất của căn nhà. Với tay nghề khéo léo của mình, Nguyễn Giang còn phục dựng, mô phỏng những hoa văn, kiến trúc Việt cổ để phục vụ cho công tác trùng tu, lưu giữ trong các bảo tàng. Có được cái vốn văn hóa giàu có này là do anh thường tự thực hiện các chuyến đi thực tế, nghiên cứu các công trình kiến trúc Việt, rồi chụp lại làm tư liệu - chẳng khác gì một nhà bảo tồn chuyên nghiệp.     

Cái tài của người làm "sống lại" nhà gỗ truyền thống ảnh 2

Nhà gỗ truyền thống của KTS Nguyễn Giang

Nhiều người nghĩ rằng chỉ có “đại gia” mới đủ tiền làm nhà gỗ, nhưng KTS Nguyễn Giang cho rằng: “Giá thành để dựng nhà gỗ không đắt, thậm chí tính ra còn kinh tế hơn nhà hiện đại. Những người tìm đến tôi để làm nhà gỗ thường là những người hoài cổ. Thậm chí, nhiều người bỏ tiền ra để giữ lại nếp nhà cũ của tổ tiên, cha ông họ để lại, chỉ tu sửa, dựng lại để gia đình, con cháu ở. Bởi vậy họ trân trọng, yêu quý nếp nhà của mình”. 

Cái tài của người làm "sống lại" nhà gỗ truyền thống ảnh 3

Hoa văn chạm khắc trên các cấu kiện cũng mang hơi thở dân gian Việt Nam

Vậy nhưng cũng không thể phủ nhận, nhà gỗ đang dần mất vị trí trong kiến trúc đương đại. Một phần vì không gian sống ngày càng thu hẹp, nguồn nguyên liệu khan hiếm. Quan trọng hơn, vì nhiều người cho rằng, nhà gỗ không còn đáp ứng nhu cầu sử dụng của cuộc sống. Nhưng với KTS Nguyễn Giang thì nhà gỗ “không chết”. Không chỉ đặt dấu ấn của mình lên các công trình kiến trúc nhà gỗ, anh còn ấp ủ việc làm một cuốn sách về kiến trúc gỗ truyền thống cơ bản để mọi người có thể hiểu hơn, biết đầy đủ hơn về loại hình đang dần vắng bóng này.