Cái giá phải trả cho việc phá rừng trồng cọ dầu ở Honduras

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Honduras là một trong những nước phát triển mạnh diện tích trồng cây cọ dầu, loại cây trồng sinh lợi cao. Nhưng quốc gia châu Mỹ Latinh này đã phải trả giá cho môi trường và những người bảo vệ nó.
Rừng cọ dầu mọc ở rìa vườn quốc gia Blanca Jeannette Kawas

Rừng cọ dầu mọc ở rìa vườn quốc gia Blanca Jeannette Kawas

Nguy cơ “sa mạc xanh” và tội phạm ma túy

Dầu cọ đã trở thành mặt hàng xuất khẩu thiết yếu ở Honduras, được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm, sản phẩm làm đẹp và làm nhiên liệu sinh học. Trên thế giới, dầu cọ chiếm khoảng 40% nhu cầu dầu thực vật toàn cầu làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu. Chi phí sản xuất thấp khiến nó trở thành loại thay thế rẻ tiền cho hầu hết các loại dầu thực vật khác, như dầu hướng dương và ô liu. Từ năm 1995 đến năm 2015, sản lượng dầu cọ hàng năm đã tăng gấp 4 lần, từ 15,2 triệu tấn lên 62,6 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần nữa vào năm 2050. Châu Mỹ Latinh, nhà sản xuất tăng trưởng nhanh nhất, chiếm gần 7% sản lượng dầu cọ toàn cầu.

Ở Honduras, cọ dầu đã trở thành cây trồng chủ lực vào năm 2014, khi cựu Tổng thống Juan Orlando Hernández đầu tư gần 72 triệu USD vào các khoản vay và trợ cấp để khuyến khích việc trồng trọt. Dầu cọ chiếm gần 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, chủ yếu sang Hà Lan, Mỹ, Italia và Thụy Sĩ, trị giá 334 triệu USD vào năm 2021. Sáu công ty lớn kiểm soát việc sản xuất và hai công ty chiếm hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, 60% sản lượng ở Honduras nằm trong tay các hộ sản xuất nhỏ, họ bán cho các tập đoàn để sàng lọc và xuất khẩu. Loại cây trồng này mang lại thu nhập cao cho người nông dân khi họ thu hoạch cứ 15 ngày một lần.

Ông Pablo Flores Velásquez, giáo sư điều tra môi trường tại Đại học Tự trị Quốc gia Honduras (UNAH) cho biết, việc trồng rộng rãi cọ dầu dù đem lại lợi nhuận cao nhưng cũng gây nguy hiểm cho môi trường. “Cọ dầu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước và chất lượng nước đối với cộng đồng. Nông nghiệp độc canh dẫn đến xóa bỏ hoàn toàn khu vực đa dạng sinh học, làm tê liệt hệ sinh thái hoàn toàn và vĩnh viễn”, ông Velásquez nói và gọi hiện tượng này là “sa mạc xanh”.

Bên cạnh vấn đề môi trường, việc trồng cọ dầu bất hợp pháp còn được những kẻ buôn bán ma túy ở Honduras và Mỹ Latinh lợi dụng để hỗ trợ hoạt động rửa tiền và vận chuyển. Theo Frances Thomson, chuyên gia về châu Mỹ Latinh tại Trung tâm Nghiên cứu các nền kinh tế bất hợp pháp, bạo lực và phát triển, kinh doanh nông nghiệp là yếu tố hỗ trợ cần thiết cho tội phạm ma túy. “Đầu tư vào kinh doanh nông nghiệp là một phương tiện để hợp pháp hóa thu nhập từ buôn bán ma túy. Đối với những kẻ buôn lậu, cây cọ dầu cũng là một cách hợp pháp hóa sự hiện diện của chúng trên lãnh thổ và đảm bảo quyền kiểm soát đối với vùng đất cần thiết cho các tuyến đường buôn lậu. Những kẻ buôn lậu ma túy thường chọn đầu tư vào dầu cọ vì nhiều chính phủ Mỹ Latinh đưa ra các ưu đãi cho loại cây trồng này như giảm thuế, tín dụng trợ cấp và trợ cấp”, chuyên gia Thomson nói.

Nhà bảo vệ môi trường Nelbin Bustamante được quân đội hộ tống giám sát một đồn điền cọ dầu bất hợp pháp tại công viên quốc gia Blanca Jeannette Kawas

Nhà bảo vệ môi trường Nelbin Bustamante được quân đội hộ tống giám sát một đồn điền cọ dầu bất hợp pháp tại công viên quốc gia Blanca Jeannette Kawas

Mối đe dọa cho lực lượng kiểm lâm

Hôm 10-9-2023, nhân viên kiểm lâm Adonias Cruz đang đi tuần tra ở công viên quốc gia Blanca Jeannette Kawas, trên bờ biển phía bắc Honduras, thì một người đàn ông có vũ khí gõ cửa căn hộ của anh. Khi kẻ lạ mặt nhận ra Cruz không có nhà, hắn đã gửi lời đe dọa giết anh. Sự việc diễn ra sau khi một đồn điền cọ dầu mới ở khu vực trung tâm của công viên vừa bị phá bỏ. “Thật đáng sợ, nếu hôm đó tôi có nhà thì không biết mọi việc sẽ thế nào?”, Cruz nói.

Nhu cầu về không gian để trồng cây cọ dầu đã dẫn đến sự gia tăng các đồn điền bất hợp pháp, khiến công việc của các nhà hoạt động môi trường trên khắp Honduras và Mỹ Latinh cũng rủi ro hơn. Theo báo cáo của Global Witness, 177 người bảo vệ môi trường Mỹ Latinh đã thiệt mạng vào năm 2022, trong đó có 14 người ở Honduras, một phần do tham gia vào các chương trình ngăn chặn dầu cọ. Trước đó, Honduras được tuyên bố là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà hoạt động môi trường vào năm 2017.

Adonias Cruz, 28 tuổi, là một trong 4 nhân viên kiểm lâm chuyên bảo vệ công viên quốc gia Blanca Jeannette Kawas và theo dõi việc trồng cọ dầu bất hợp pháp ở Honduras. Công việc của họ có độ rủi ro cao bởi các nhóm liên quan đến việc khai thác dầu cọ trong khu bảo tồn và buôn lậu ma túy đã dọa giết họ nếu bị can thiệp quá nhiều vào hoạt động kinh doanh. “Hầu hết mọi người coi chúng tôi là kẻ thù. Chúng tôi có thể trò chuyện thân thiện với mọi người ở đây, nhưng không biết có phải là nạn nhân vụ ám sát tiếp theo hay không”, nhân viên kiểm lâm Cruz nói.

Nhân viên kiểm lâm Cruz cùng những người khác đã nhiều lần bị đe dọa như vậy. Đồng nghiệp Cesar Ortega, 22 tuổi, cho biết thêm, công việc của đội luôn bị tội phạm theo dõi. “Ngay từ khi rời văn phòng, họ đã biết chính xác chúng tôi đang ở đâu và đi hướng nào. Họ có người đứng ở mọi ngã tư để xác định vị trí của chúng tôi và theo dõi xem chúng tôi có đi cùng binh lính hay không”, anh Orterga kể.

Các công viên quốc gia như Blanca Jeannette Kawas - được đặt theo tên của một nhà hoạt động môi trường bị sát hại - bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Kể từ năm 2016, số lượng đồn điền cọ dầu trong công viên, do các tổ chức phi chính phủ như Prolansate (Bảo vệ Lancetilla, Punta Sal và Texiguat) quản lý, đã tăng lên đáng kể. Ông Nelbin Bustamante, Giám đốc điều hành của Prolansate cho biết, không thể xóa bỏ tất cả các cây cọ dầu được trồng trái phép. “Chúng tôi từng chỉ có 2 kiểm lâm viên làm việc toàn thời gian, nhưng nhân sự đó không thể đủ vì chúng tôi chịu trách nhiệm giám sát 4 công viên, có diện tích hơn 700.000 ha”.

Kiểm lâm viên Cesar Ortega bên khu vực rừng bị phá để trồng cọ dầu

Kiểm lâm viên Cesar Ortega bên khu vực rừng bị phá để trồng cọ dầu

Khó xử lý triệt để nếu còn xung đột lợi ích

Trong quá trình tuần tra, tổ công tác do ông Bustamante dẫn đầu phát hiện tiếng ồn của cưa máy, rìu trong rừng ngập mặn. Họ lần theo âm thanh, đuổi theo hai người qua lớp bùn dày và nước ngập đến ngực, bắt được một phụ nữ 18 tuổi trong khi người còn lại cầm cưa máy bỏ chạy. Sau sự xuất hiện của người lãnh đạo cộng đồng, ông Bustamante đành tịch thu chiếc rìu và để cô gái đi. “Nếu cố đưa cô ấy đến văn phòng công tố viên ở Tela, chúng tôi sẽ bị cộng đồng chặn đường khi ra ngoài”, ông Bustamante nói và giải thích: “Ở đây, chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài việc theo dõi và báo cáo. Chặt phá cây cọ dầu chắc chắn chúng tôi sẽ đối mặt với cái chết. Còn việc báo cáo về các trường hợp trồng cọ dầu bất hợp pháp ở công viên quốc gia, chúng tôi đã làm từ 10 năm trước mà vẫn chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan có trách nhiệm”.

Theo lực lượng kiểm lâm, một số người trong cơ quan công tố cũng là chủ đất và có thể nảy sinh xung đột lợi ích. Ngay cả ông Juan Orlando Hernández, cựu Tổng thống Honduras, người bị dẫn độ sang Mỹ vì tội ma túy vào năm 2022, cũng sở hữu khối bất động sản dọc theo một trong những tuyến đường buôn bán ma túy chính. Một công tố viên ở Tela đề nghị giấu tên xác nhận rằng, tình trạng tham nhũng của các quan chức nhà nước và xung đột lợi ích là một phần của vấn đề. “Trong các cuộc điều tra về môi trường, chúng tôi phải mất nhiều thời gian hơn để đưa ra phán quyết. Và chúng thường không diễn ra suôn sẻ. Các nhân chứng cực kỳ dễ bị tổn thương. Họ có thể bị đe dọa, giết chết hoặc được trả tiền để giữ im lặng. Nếu chúng tôi cố gắng tiếp cận những người trong cộng đồng, dù họ có thể đã chứng kiến sự tàn phá môi trường, nhưng hầu hết đều im lặng vì những hậu quả tiềm ẩn”.

Vào tháng 12-2022, Tổng thống Xiomara Castro đã thành lập Lữ đoàn bảo vệ môi trường số 3, còn được gọi là Tiểu đoàn xanh. Lực lượng này được thành lập riêng để phối hợp với các tổ chức phi chính phủ chuyên về bảo vệ môi trường. Theo các nhà hoạt động môi trường, đây là một bước đi đúng hướng nhưng điều đó là chưa đủ. “Họ thành lập Tiểu đoàn Xanh nhưng không tính đến công tác hậu cần. Giờ chúng tôi có một tiểu đoàn hỗ trợ riêng, nhưng họ đóng ở La Ceiba, cách đây 2 giờ di chuyển. Bất cứ khi nào muốn phối hợp hành động, chúng tôi phải đón họ, lo cho họ ăn uống và chở đi khắp nơi. Vì vậy, thật đáng buồn, kết quả đã không được như mong đợi”, ông Bustamante nói.