Vòng luẩn quẩn của những gia đình khốn khổ ở Honduras

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 23 ngày sau khi con gái và cháu gái bà Sandra Lopez (tên nhân vật đã thay đổi) rời khỏi nhà ở Tegucigalpa, Honduras, bà nhận được một cuộc gọi thông báo họ đã bị bắt cóc và phải trả tiền chuộc nếu muốn gặp lại họ.
Suy thoái kinh tế, không có việc làm là động cơ thúc đẩy nhiều người Honduras di cư

Suy thoái kinh tế, không có việc làm là động cơ thúc đẩy nhiều người Honduras di cư

Con gái của bà, Rosa, bị bắt giữ ở Mexico khi đang trên hành trình di cư tới Mỹ đầy nguy hiểm. Rosa đã thất nghiệp hơn 1 năm sau khi mất việc trong một nhà máy dệt do đại dịch Covid-19 diễn ra. Kế hoạch của cô là cùng chồng và con đến Mỹ làm việc để hỗ trợ mẹ cô, một người khuyết tật. Sáng 23-11-2021, Rosa và con gái 6 tuổi của mình đã mất tích dọc theo các tuyến đường di cư về phía Bắc. Mẹ của Rosa kể: “Khi nhận được cuộc gọi, tôi đã vô cùng sợ hãi. Mất ăn, mất ngủ, quẫn trí đến không làm được bất cứ điều gì”.

Nhận hung tin, bà Sandra Lopez bị bọn bắt cóc truy lùng nhiều lần trong ngày qua WhatsApp, yêu cầu 10.000 USD tiền chuộc. “Tôi nói với họ rằng, tôi là một bà mẹ đơn thân, sống trong một ngôi nhà không phải của mình, rằng tôi bị tàn tật và phải sử dụng xe lăn. Tôi lấy đâu ra tiền chuộc. Nhưng họ nói với tôi: Nếu không thể trả tiền, hãy làm điều gì đó, như bán nội tạng để trả tiền cho con cháu bà. Nếu không, con cháu bà sẽ không tồn tại trên thế giới này”.

Nhiều người vẫn tiếp tục rời khỏi Honduras khi đất nước này phải vật lộn với sự suy thoái kinh tế do đại dịch, do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, cũng như các vấn đề bạo lực băng đảng, nghèo đói và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn. Con đường đến Mỹ đầy rẫy nguy hiểm và những người di cư “cực kỳ dễ bị tổn thương”. Có người bỏ mạng trong sa mạc dọc biên giới Mexico-Mỹ; họ cũng có thể gặp tai nạn giao thông hoặc tử vong thảm khốc trên những chuyến tàu chở hàng vượt biên giới Mexico, lại có người bị chính quyền giam giữ; và một số, như Rosa và con gái, trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm ở Mexico, những kẻ coi người di cư là cơ hội làm ăn.

Ước tính, mỗi năm có khoảng 130.000-150.000 người Honduras cố vượt biên đến Mỹ. Các số liệu của chính phủ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, Mỹ đã đưa 34.278 người Honduras về nước, và con số trả về trong năm 2021 là hơn 26.000 người. Ngoài ra, có 3.500 người được liệt kê là mất tích trên đường đến Mỹ.

Trong khi đó, ở Mexico đang xảy ra một cuộc khủng hoảng pháp y, với hơn 52.000 thi thể không xác định nằm trong các ngôi mộ tập thể, cơ sở dịch vụ pháp y, trường đại học và trung tâm lưu trữ pháp y nên họ không đủ nhân lực để tìm người mất tích. Bước vào khoảng trống này là những người như Eva Ramirez, người đã thành lập Comité de Familyiares de di cư desaparecidos Amor y Fe, một nhóm những người có người thân mất tích. Hơn 23 năm qua, bà Eva Ramirez đã xây dựng một mạng lưới các nhà hoạt động, nhà báo và các tổ chức xã hội dân sự trên khắp Trung Mỹ giúp tìm kiếm những người mất tích. Họ cũng có các nhà tâm lý học sẵn sàng hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho các gia đình. Công việc của nhóm khó khăn và tự nguyện nhưng bà Eva Ramirez chia sẻ: “Những người di cư mất tích có mọi quyền được tìm kiếm vì họ là con người. Chúng ta cần biết điều gì đã xảy ra với họ, họ đang ở đâu, tại sao họ lại biến mất. Chúng ta cần biết sự thật và công lý”.

Bà Eva Ramirez đã thay mặt cho gia đình nạn nhân ở Honduras tham gia đàm phán với những kẻ bắt cóc. Khi được bà Sandra Lopez liên lạc, Eva Ramirez khuyên người phụ nữ này cùng con rể ở Mỹ yêu cầu bằng chứng về con tin. “Vay được tiền của bạn bè, người thân, tôi đã gọi cho họ mọi lúc, bảo họ trả tự do cho con gái và cháu gái của tôi. Tôi đã cầu xin họ giao con tin cho cơ quan di trú. Tôi biết họ không ổn, không được cho ăn và ngủ trên sàn nhà khi nhiệt độ đóng băng”, bà Sandra Lopez kể. Ba ngày sau, vào ngày 8-12, người phụ nữ được thông báo rằng, con cháu bà đã được tự do. Vào ngày 15-12, họ bị trục xuất trở lại Honduras. Rosa hiện đã an toàn nhưng giờ không có khả năng trả nợ. “Tôi muốn thử và quay lại Mỹ một lần nữa. Tôi biết điều đó rất nguy hiểm nhưng ở đây tôi không thể kiếm được công việc nào cả”, Rosa bộc bạch.