Cái chết từ "Bụi thiên thần"

ANTĐ - Theo giới chức cảnh sát và y tế Mỹ, các loại cần sa tổng hợp như: K2, Spice, Bizarro, Scooby Snax, Kryp2nite và đặc biệt là “Bụi thiên thần” đã tăng vọt trên quy mô toàn quốc. Chúng gây ra tình trạng đặc biệt lo lắng, hoảng loạn, sợ hãi, xa lánh người khác, ảo giác… dẫn tới nguy cơ khiến người sử dụng thiệt mạng vì dùng quá liều, có các hành vi phạm tội “điên rồ” giống như của một xác sống (zombie).
Cái chết từ "Bụi thiên thần" ảnh 1

Những cuộc chơi hủy diệt

Đầu tháng 8 này, cảnh sát thành phố New York đã buộc phải nổ súng bắn bị thương một cô gái 22 tuổi, sau khi cô này vô cớ vác dao rượt đuổi người khác. Theo cảnh sát, cô gái này hành động điên rồ như trong trạng thái vô ý thức. Mẹ cô gái cho biết con mình đã dùng cần sa tổng hợp với loại ma túy PCP (Phencyclidine - một loại chất gây ảo giác).

Trước đó làng giải trí rúng động trước hành động dùng dao cắt phăng “của quý” trước khi nhảy khỏi ban công tầng hai tòa nhà của rapper người Mỹ Andre Johnson. Andre Johnson được đưa vào Trung tâm y tế Cedars-Sinai cấp cứu. Rapper này may mắn thoát chết, nhưng các bác sĩ không thể nối liền phần “của quý” đã bị cắt rời của anh. Nhiều nguồn tin cho biết, Andre Johnson chịu ảnh hưởng của loại ma túy PCP khi có các hành vi bất thường.

Ở những góc phố Westmoreland và Rorer (Philadelphia, Mỹ), người ta có thể nghe thấy những nhóm thanh niên gốc Nam Mỹ, lưng giắt súng, hô to: “wet, wet, wet”. Họ đang quảng cáo một loại thuốc đặc biệt cho khách hàng, những người không tới đây để mua heroin, cocaine mà tìm kiếm một loại ma túy PCP, hay còn gọi là “Bụi thiên thần”. Đến khi trời sáng, một vài người sẽ bị cố định trên cáng và được đưa vào khoa tâm thần nội trú của trung tâm Phản ứng Khủng hoảng. Rất nhiều trong số đó là trẻ vị thành niên.

PCP là chất được cho phép sử dụng gây mê tổng quát vào năm 1953. Do những tác dụng phụ đối với con người bao gồm gây ảo giác và bất an nên nó bị ngừng sử dụng vào năm 1965. Ngày nay, PCP xuất hiện dưới dạng dung dịch lỏng trong những lọ nhỏ màu vàng có tên “wet”. Những kẻ buôn ma túy nhúng lá bạc hà nghiền nát hoặc thuốc lá vào “wet” rồi đem bán để người mua tiện dùng.

“Ma dược” của một xác sống 

Theo giới chức cảnh sát và y tế Mỹ, hoạt động sử dụng ma túy PCP và các loại cần sa tổng hợp như: K2, Spice, Bizarro, Scooby Snax, Kryp2nite và Stoopid đã tăng vọt trên quy mô toàn quốc. Chúng mang tới nguy cơ khiến người sử dụng thiệt mạng vì dùng quá liều. Cảnh sát bang Washington đã thực hiện 65 vụ bắt giữ trong vài tháng qua, liên quan tới những người mua bán cần sa tổng hợp trên phố. Chính quyền bang New York thông báo về hơn 1.900 trường hợp phải đi cấp cứu do dùng cần sa tổng hợp. 

“Liều lượng của loại ma túy này rất khác nhau. Thành phần hóa chất cũng không hề giống nhau. Bạn và tôi có thể mua và sử dụng cùng một gói ma túy. Nhưng phản ứng mà mỗi người nhận được lại rất khác nhau” - quyền Giám đốc Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA), ông Chuck Rosenberg nói. “Cần sa tổng hợp gây ra tình trạng đặc biệt lo lắng, hoảng loạn, sợ hãi, xa lánh người khác, ảo giác, bên cạnh nhiều hiện tượng tâm lý bất thường khiến người dùng chúng có các hành vi giống như của một xác sống (zombie)” - trang k2zombiedc.com chuyên chống cần sa tổng hợp cảnh báo. 

Cần sa tổng hợp mang hình thức giống cần sa thường, nhưng mức độ gây nghiện và tiềm năng độc hại của nó lớn hơn nhiều do sử dụng rất nhiều hóa chất để mô phỏng tác động của THC, chất gây nghiện có trong cần sa thực. Các hóa chất này được phun lên một loại cỏ đặc biệt, sau đó được nhét vào trong các gói trông như bao cao su chưa sử dụng, với nhiều hình vẽ hoạt họa sặc sỡ ở bên ngoài. Một số hộp còn đề bên ngoài dòng chữ: “Không dành cho con người sử dụng”. Đôi khi cần sa tổng hợp được tiêu thụ lén lút tại các trạm bán xăng, các cửa hàng tạp hóa... Nhưng thường thì người ta sẽ đặt mua chúng qua mạng, bằng thẻ tín dụng. 

Được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, cần sa tổng hợp là chất gây nghiện rẻ tiền, có nhiều màu sắc. Do thành phần thường xuyên được thay đổi trong các phòng thí nghiệm hoạt động trái phép, cần sa tổng hợp trở thành mặt hàng rất khó phát hiện và ngăn chặn. Ai cũng tưởng cần sa tổng hợp chỉ là một loại ma túy, giống như cocaine hay ma túy “đá” methamphetamine” - Mark Ryan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chất độc Louisiana nhận xét - “Chúng tôi thì biết rằng hiện có hơn 300 loại cần sa tổng hợp khác nhau đang tồn tại ngoài kia”.

Những tháng đầu năm 2015, các trung tâm chống độc ở Mỹ đã nhận hơn 5.200 cuộc gọi liên quan tới “cần sa rởm” hay cần sa tổng hợp. Con số này đã tăng mạnh so với mức 3.680 cuộc gọi của năm ngoái và 2.668 cuộc gọi hồi năm 2013.