Cách nhìn khác về phim Việt hóa

ANTĐ - Khác với những phiên bản phim Hàn từng được Việt hóa trước đây, “Người mẫu” đã đem đến một cái nhìn khác về phim Việt hóa.

Cảnh phim Người mẫu

Khởi chiếu từ cuối tháng 8, đến nay “Người mẫu” đã phát sóng được 10 tập phim, đủ để tạo nên ấn tượng. “Người mẫu” được cho là gánh trên vai nhiều trọng trách, vừa là kỳ vọng của nhà đầu tư Kiết Tường (với mức đầu tư lớn hơn nhiều các phim truyền hình khác), vừa là hy vọng tìm lại mầu vàng cho thương hiệu “phim giờ vàng” ít nhiều bị phai nhạt sau những bộ phim không thành công như “Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật”... Không chỉ thế, với lợi thế là chuyển thể từ một phiên bản rất thành công ở Hàn Quốc từng được nhiều khán giả Việt Nam say mê ngay từ thời kỳ đầu của “làn sóng Hàn Quốc”, “Người mẫu” còn là một cơ hội để lấy lại niềm tin nơi khán giả với phim Việt hóa - giờ đây đang trở thành một phần không thể thiếu của điện ảnh trong thời toàn cầu hóa.

Phải nói ngay rằng trước “Người mẫu” cũng đã có nhiều bộ phim Hàn Quốc rất nổi tiếng từng được Việt hóa ở VN, trong đó đình đám nhất là “Ngôi nhà hạnh phúc, Anh em nhà bác sĩ”... Tuy nhiên, cả hai bộ phim này khi phát sóng đã để lại nhiều tiếc nuối cho những khán giả đã ... trót mê phiên bản Hàn Quốc không chỉ bởi nó quá khác biệt so với bộ phim gốc mà còn vì nó quá xa lạ với khán giả VN bởi những tình tiết xa lạ với văn hóa Việt. Bởi vậy, trước khi lên sóng, không chỉ “Người mẫu” mà hầu như tất cả những phim Việt hóa đều nhận được thái độ hoài nghi của khán giả.

Nhưng sau 10 tập đầu tiên thì cái nhìn về phim đã khác, thậm chí nhiều diễn đàn trên mạng cho rằng “Người mẫu” là bộ phim Việt hóa thành công nhất từ trước tới nay.

Thử nhìn lại những lý do khiến phim nhận được phản hồi tích cực của người xem, có thể thấy yếu tố đầu tiên mang tới thành công chính là khả năng Việt hóa của nhóm biên tập. Điểm đầu tiên gây ấn tượng với khán giả là lời thoại đã được nhóm biên tập gọt rũa khá chỉn chu, gần gũi với đời sống thực và khá sát với giới người mẫu - những nhận vật chính của phim.

Quan trọng hơn, nhiều tình huống, chi tiết về tập quán văn hóa, cách ứng xử, sinh hoạt mang đậm dấu ấn của văn hóa Hàn Quốc trong phim đã được chú trọng thay thế bằng những tình tiết phù hợp với văn hóa người Việt và sát với thực tế của giới người mẫu. Bởi vậy mà phim không tạo cảm giác giả, khiên cưỡng - một lỗi mà nhiều phim Việt hóa trước đây hay mắc phải.

Ấn tượng thứ hai đến từ dàn diễn viên. Điểm mạnh của họ là hầu hết các diễn viên chính đều xuất thân từ giới người mẫu, họ đóng phim như sống chính cuộc đời mình. Trong số đó có nhiều người mẫu nay đã thành danh, được đóng phim như là một cơ hội trở lại thuở hàn vi với những bước đi chập chững trong nghề đã khiến nhiều người trong số họ nuôi được những cảm xúc rất thật gây ấn tượng. Phải kể đến ba cái tên Thanh Hằng, Xuân Lan, Bình Minh bởi họ đã không chỉ diễn tròn vai mà còn đem lại những màu sắc rất riêng cho mỗi nhân vật của mình, để lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Quốc Cường trong phim Người mẫu

Một ấn tượng nữa đến từ khâu đầu tư cho phim ngay từ khâu phục trang, bối cảnh cho đến dàn diễn viên nhiều gương mặt nổi tiếng. Không chỉ đầu tư về tiền bạc, những người làm phim còn đầu tư cả thời gian từ khâu chuẩn bị kịch bản, sản xuất và hậu kỳ. Ngay cả chiến dịch quảng bá cho phim cũng thể hiện sự chăm chút kỹ lưỡng của nhà sản xuất.

Có thể nhận thấy ngay sự đầu tư cho “Người mẫu” cao hơn so với mặt bằng chung của phim truyền hình hiện nay ngay từ những khâu như phục trang, bối cảnh. Là phim làm về giới người mẫu, hai khâu này có lẽ là quan trọng nhất trong việc thuyết phục khán giả tin vào câu chuyện ngay từ yếu tố nhìn. Được biết để có thể tạo được những ấn tượng này, nhà sản xuất đã chấp nhận “lãi ít” khi đầu tư cho mỗi tập phim số tiền gần bằng với số tiền được nhà đài trả.

Hiện nay VTV trả cho mỗi tập phim truyền hình số tiền 200 triệu, tuy đã cao hơn mặt bằng chung 20 triệu mỗi tập nhưng nếu so sánh với thời giá thì rõ ràng là một con số rất khiêm tốn. Nhiều nhà sản xuất dù biết vậy nhưng vẫn phải chấp nhận đầu tư cho mỗi bộ phim một số tiền thấp hơn con số đó (chỉ khoảng 130 triệu/tập phim) mới mong có đủ chi phí trang trải và có lãi chút đỉnh. Đây cũng chính là lý do khiến chất lượng phim truyền hình hiện nay đang có chiều hướng đi xuống.

“Người mẫu” vần còn một chặng đường nữa để chinh phục khán giả với 39 tập phim (mỗi tập 45 phút) được triển khai từ 36 tập phim gốc, mỗi tập 60 phút. Tuy nhiên, sau một phần ba chặng đường, ấn tượng từ mỗi tập phim với những câu chuyện mạch lạc, tiết tấu không bị kéo dài lê thê, mạch phim trôi chảy, diễn xuất tự nhiên đã xóa đi hàng rào cách biệt giữa hai nền văn hóa khác nhau để đưa đến những câu chuyện chân thật - tất cả đã mang lại cho người xem một cái nhìn khác về phim Việt hóa.