Các trường lớn không có ý định thi riêng

ANTĐ - Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 vừa chính thức kết thúc ngày 30-11. Đây cũng là lúc Bộ GD-ĐT củng cố các phương án cho kỳ tuyển sinh năm 2013. Trong khi nhiều trường ngoài công lập đòi bỏ phương án “3 chung” thì các trường ĐH công lập trọng điểm không mặn mà với việc tách ra thi riêng.

Quy mô tuyển sinh năm 2013 vẫn được giữ nguyên

Sợ bị cô lập nếu thi riêng

“Chúng tôi được Bộ GD-ĐT cho phép tự chủ phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 nhưng phải có đề án để Bộ xem xét. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi chưa xây dựng đề án đổi mới phương thức tuyển sinh bởi còn nhiều vấn đề phải xem xét. Nếu chỉ một mình ĐH Bách khoa Hà Nội thi riêng thì chắc chắn sẽ tạo áp lực cho thí sinh và sẽ có nhiều tình huống xảy ra. Thi riêng mà khó quá thì sẽ không có đầu vào. Ngược lại đề thi dễ thì đầu vào sẽ có khả năng bị “ảo” lớn” - GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ về vấn đề tự chủ tuyển sinh ĐH, CĐ cho năm tới.

Đây cũng là tình trạng chung của các trường ĐH lớn, ĐH trọng điểm được Bộ GD-ĐT “đặt hàng” đưa ra các phương án tuyển sinh mới thay thế cho “3 chung” hiện nay, trong đó bao gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội… GS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, năm 2013, đơn vị này vẫn lựa chọn phương án    “3 chung” của Bộ GD-ĐT chứ không ra đề riêng, tổ chức thi riêng bởi phải có thời gian xây dựng đội ngũ chuyên gia, xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực…

Theo các chuyên gia tuyển sinh, chỉ khi nào Bộ GD-ĐT có cơ chế phối hợp trong toàn hệ thống thì mới có thể giải quyết được các vướng mắc như thí sinh thi vào các trường thi riêng có được sử dụng kết quả vào các trường thi chung hay không, nếu thí sinh trúng tuyển cùng lúc cả 2 trường thì giải quyết thế nào? Đây chính là điều các trường lo lắng bởi không muốn bản thân cũng như các thí sinh dự thi vào trường mình bị “cô lập” với guồng tuyển sinh đang ngày càng nhộn nhịp, nhiều lựa chọn theo phương thức “3 chung” như hiện nay.

Phương án đổi mới “treo”

Mới đây, ĐH Quốc gia TP.HCM đã đưa ra phương án đổi mới tuyển sinh ĐH. Theo phương án này, sẽ có một đơn vị chuyên trách đứng ra tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực bao gồm việc ra đề và tổ chức thi. Cơ cấu môn thi của kỳ thi này gồm 5 môn: Toán, Tiếng Việt, Khoa học tự nhiên (gồm kiến thức các môn lý, hóa, sinh), Khoa học xã hội (văn, sử, địa), tiếng Anh và năng khiếu (dành cho các trường nghệ thuật, thể thao). Theo dự kiến đề thi được xây dựng theo hướng tiêu chuẩn hóa nhằm đánh giá năng lực của thí sinh cũng như các kỹ năng cần thiết cho việc học ĐH. Bên cạnh đó, công tác xét tuyển dự kiến cũng thay đổi, kết quả kỳ thi có thể được sử dụng là tiêu chí xét tuyển hoặc kèm thêm các điều kiện khác tùy vào điều kiện của từng trường như xét học bạ phổ thông, kết quả thi tốt nghiệp THPT… Tuy nhiên, phương án trường này đưa ra chưa được xem xét thực hiện trong năm 2013.

Chỉ thay đổi khâu kỹ thuật

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, mùa tuyển sinh năm 2013  vẫn giữ ổn định phương án “3 chung”. “Về kế hoạch lâu dài, tuyển sinh vào ĐH, CĐ từ nay đến năm 2015 sẽ không có thay đổi lớn, chỉ thay đổi về mặt kỹ thuật để kỳ thi tối ưu hơn. Chương trình sách giáo khoa phổ thông và phương pháp dạy và học thay đổi thì mới thay đổi cách thi được” – Thứ trưởng cho biết. Như vậy, với kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng ưu tiên xét tuyển đối với những huyện nghèo và 20 huyện biên giới, hải đảo thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long không có trong danh sách huyện nghèo của Chính phủ. Việc mở rộng này xuất phát từ quan điểm tạo điều kiện để thí sinh những vùng này có thể vào học ĐH. Ngoài ra Bộ cũng mở rộng diện ưu tiên cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để xem xét đưa vào quy chế tuyển sinh.

Về quy mô tuyển sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ sẽ không tăng quy mô để đảm bảo chất lượng đào tạo. Các trường sẽ xác định chỉ tiêu năm 2013 của mình dựa trên các điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Những trường nào xác định chỉ tiêu không đúng với năng lực sẽ bị trừ chỉ tiêu cho năm kế tiếp. Theo đó, Bộ GD-ĐT không khuyến khích các trường mở thêm ngành và tăng chỉ tiêu ở khối ngành kinh tế bởi đến thời điểm này, quy mô đào tạo khối kinh tế đã lên tới 38% tổng quy mô đào tạo, trong khi quy hoạch mà Chính phủ đã đưa ra cho khối này chỉ là 20%.