- Rạp chiếu phim nội trước nguy cơ bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính
- Rạp chiếu phim Hà Nội bừng tỉnh
“Cái chết” được báo trước
Lý do khiến rạp Dân Chủ buộc phải ngừng hoạt động là do kinh doanh thua lỗ. Đó cũng là thực trạng chung mà rất nhiều rạp chiếu phim Nhà nước đang phải đối mặt trong những năm gần đây.
Như chia sẻ của ông Bùi Thế Lâm - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hải Phòng nếu cách đây 16 năm, một rạp chiếu có doanh thu trung bình 2 tỷ đồng thì đến thời điểm này chỉ còn 200 triệu đồng. Mức doanh thu này để nuôi một rạp chiếu hoạt động theo ông Lâm là “không thể sống nổi”.
Hiện Trung tâm đang quản lý 3 rạp chiếu bóng và 2 đội chiếu bóng lưu động, các rạp chiếu đều nằm ở vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố song hầu hết được xây dựng từ cuối thế kỷ trước, cơ sở vật chất mang tính chắp vá, trang thiết bị công nghệ chiếu phim lạc hậu. Ngay cả rạp 1-5 được xem là rạp chiếu hiện đại nhất nhưng Trung tâm cũng từng phải làm tờ trình trả lại thành phố rạp này.
Cũng theo ông Lâm có những phòng chiếu có sức chứa vài trăm chỗ ngồi nhưng cả ngày không mở được một buổi chiếu hoặc có chiếu cũng chỉ có vài người xem là chuyện bình thường.
Chuyện rạp cũ, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu kéo theo khán giả ngày một thờ ơ không đến xem là điều mà từ rất lâu các rạp phim Nhà nước cùng “kêu khóc”. Nhất là khi hệ thống các cụm rạp lớn CGV và Lotte Cinema do nước ngoài đầu tư tại các thành phố lớn của Việt Nam ngày một phát triển và chiếm áp đảo thị phần khán giả.
Theo thống kê mới nhất từ Cục Điện ảnh, trong số 93 rạp phim do Nhà nước sở hữu, có 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng và 10 rạp ngừng hoạt động. Tuy nhiên, con số này sẽ không dừng lại nếu như các rạp chiếu chỉ ngồi một chỗ kêu than và trông chờ vào sự “giải cứu” từ phía Nhà nước mà không có bất cứ một sự vận động nào để tự cứu mình.
Tự cứu mình
Trong số các rạp chiếu phim Nhà nước, đến giờ hoạt động hiệu quả nhất phải kể đến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (NCC). Đơn vị này đã có sự “lột xác” trong vài năm trở lại đây, từ chỗ èo uột khán giả đến nay đã trở thành một trong những địa chỉ hút người xem đến rạp. Tuy vậy, nhớ lại những ngày đầu khi mới tiếp nhận vị trí Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia cách đây 8 năm, ông Nguyễn Danh Dương kể lúc bấy giờ, cơ sở vật chất và trang thiết bị của Trung tâm cũng xuống cấp trầm trọng không khác gì các rạp Nhà nước khác, tất cả có 2 phòng chiếu phim nhựa và 6 phòng chiếu video, ghế ngồi ọp ẹp, bước vào phòng chiếu thì mùi hôi sộc vào mũi.
Tại thời điểm đó, thay vì thụ động trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước cấp, lãnh đạo NCC quyết định hợp tác với các đối tác bên ngoài theo hình thức xã hội hóa, việc đầu tiên là thi công trang trí lại toàn bộ hệ thống sảnh bên ngoài.
Trong vòng 4 tháng, toàn bộ sảnh Trung tâm đã được đối tác bên ngoài hoàn tất khiến NCC nói như lời ông Dương là “thay đúng bộ quần áo đẹp mà nhìn khác hẳn và ngay năm sau lượng khán giả đến với trung tâm tăng gấp đôi, mặc dù hệ thống phòng chiếu chưa sửa lại chút nào”. Đổi lại, các đối tác này được phép kê các quầy dịch vụ phía trong trung tâm để kinh doanh trong thời hạn nhất định.
Ông Nguyễn Danh Dương chia sẻ, mãi cho tới sau này ông mới biết để có được hệ thống sảnh như hiện giờ, đối tác đã phải bỏ ra gần 20 tỷ đồng - số tiền quá sức tưởng tượng mà nếu không xã hội hóa thì có lẽ Trung tâm sẽ chẳng bao giờ “thay da đổi thịt” được.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Danh Dương, sau 5 năm, NCC đã cải tạo được 4 phòng chiếu cũ, đầu tư mở rộng 5 phòng chiếu mới, nâng tổng số phòng chiếu lên con số 9.
Tổng số mức đầu tư cải tạo phòng chiếu là trên 85 tỷ đồng, trong đó ngân sách do Nhà nước cấp chỉ hơn 13 tỷ đồng, còn lại là vốn do NN tự bỏ ra từ nguồn thu chiếu phim.
Nhờ vào sự tự cứu mình này mà sau 8 năm, NCC từ chỗ chỉ có 500.000 lượt khán giả đến xem mỗi năm, đạt doanh thu 17 tỷ đồng thì đến nay con số này đã đạt trung bình trên 2 triệu lượt khán giả mỗi năm với doanh thu trung bình 150 tỷ đồng.
Đó cũng là minh chứng cho thấy nếu cứ ngồi đợi Nhà nước giải cứu mà không tự tìm cách cứu mình thì còn rất nhiều rạp Nhà nước sẽ phải đóng cửa như rạp Dân Chủ hay rạp 1-5.
Một nhà phát hành phim tư nhân khẳng định, giữa thời buổi rạp phim cần phải đi cùng với dịch vụ như hiện nay, nếu còn giữ tư duy “há miệng chờ sung” thì các rạp Nhà nước sẽ khó lòng trụ nổi.