Rạp chiếu phim nội trước nguy cơ bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính

ANTĐ - Những năm gần đây, việc vào xem phim ở rạp trở thành nhu cầu và thói quen của đông đảo người dân tại các đô thị. Nhất là vào các dịp lễ, tết, ngày nghỉ, một số rạp chiếu phim luôn trong tình trạng “cháy vé”. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những rạp chiếu phim kinh doanh cầm chừng, hoặc phải đóng cửa do không duy trì được hoạt động. Trước sức ép cạnh tranh, buộc các chủ rạp cả tư nhân và nhà nước phải đẩy mạnh đầu tư cả về số lượng và chất lượng mới thu hút được người xem.

Theo thống kê mới đây của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, toàn quốc hiện có khoảng hơn 100 rạp chiếu, nhưng chỉ có khoảng trên dưới 40 rạp là đủ tiêu chuẩn và phần lớn nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với mức sống và nhu cầu văn hóa, giải trí ngày càng được nâng cao, nhất là ở các thành phố lớn, việc kinh doanh chiếu phim được đánh giá là thị trường tiềm năng, nếu như biết đầu tư phù hợp và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân.

Nói về nguyên nhân thất bại doanh thu của bộ phim “Dòng máu anh hùng”, nghệ sĩ Chánh Tín cho rằng một phần là do thiếu hụt rạp chiếu phim trong nước: “Trong khi Thái Lan có trên 500 rạp nhỏ, thì Việt Nam chỉ có khoảng 40 rạp đủ tiêu chuẩn, còn lại đã xuống cấp hết”.

Không thể “dậm chân tại chỗ”

Việt Nam được xem là một thị trường chiến lược và các tập đoàn nước ngoài đã thực hiện kế hoạch phát triển khá rầm rộ. Theo thống kê mới nhất của Cục Điện ảnh, doanh thu của toàn bộ thị trường chiếu phim trong nước năm 2013, khoảng hơn 50 triệu USD và năm 2020 sẽ tăng lên 100 triệu USD.  

Trước sức ép về nhu cầu của người dân tăng cao, nhu cầu giải trí cần được đáp ứng, các tập đoàn chiếu phim trong và ngoài nước đua nhau cạnh tranh phát triển hệ thống rạp ở Việt  Nam, nâng cấp trang thiết bị, nội thất, máy móc… Trong đó dẫn đầu phải kế đến Megastar - tập đoàn CJ – CGV được Hàn Quốc mua lại vào năm 2011.

Trung tâm chiếu phim quốc gia tại Hà Nội, nơi đã ứng dụng công nghệ chiếu phim 4D


Ông Brian Hall, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: “Ngay sau khi đầu quân cho tập đoàn Hàn Quốc, doanh thu của rạp Megastar liên tục tăng nhanh. Cụ thể như: Nếu như doanh thu phòng vé ở Việt Nam năm 2005 là 2 triệu USD, thì đến năm 2011 – khi đầu quân cho tập đoàn, con số này đã đạt mức 30 triệu USD, tăng gấp 15 lần so với trước khi đầu quân”.

Ông cũng cho biết: “Tuy tỷ lệ người dân đi xem phim tại Việt Nam chưa cao so với trung bình thế giới, nhưng số lượng này đang tăng rất nhanh, điều đó cho thấy xu hướng giải trí bằng phim ảnh ngày càng được ưa chuộng”.

Ông Dong Won Kwak, Giám đốc chiến lược toàn cầu của tập đoàn CJ – CGV cho biết: “Việt Nam được xem là một thị trường quan trọng của CJ – CGV. Chúng tôi muốn Việt Nam trở thành trung tâm của tập đoàn tại Đông Nam Á”. Ông cũng cho biết thêm: “Hiện thị trường Việt Nam tăng trưởng 20 -25% một năm, đóng góp 30% doanh thu cho CJ – CGV. Việt Nam được xếp vào nhóm các thị trường phát triển tốt của tập đoàn cùng với Mỹ, Trung Quốc và Indonesia”.

Đứng ở vị trí thứ hai sau CGV là Lotte Cinema. Năm 2008, Lotte Cinema đã mua lại cổ phần trong công ty Diamond Cinema (DMC) – liên doanh giữa công ty Fellas (HG) và Fafilm Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại Lotte có 7 rạp ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nha Trang và Hà Nội, với tổng số 33 phòng chiếu.

Ông Park Sung Hoon, Tổng giám đốc Lotte Cinema cho biết, trong vòng 5 năm tới sẽ mở 70 cụm rạp.

Một nhà đầu tư khác đến từ Indonesia là Platinum Cineplex đã khai chương rạp chiếu ở Nha Trang, Hà Nội trong năm 2013. Tuy số lượng còn ít, nhưng đều là những rạp có quy mô và đạt chuẩn quốc tế. Trong tương lai, dự kiến nhà đầu tư này sẽ sở hữu 10 rạp chiếu tương tự vào năm 2018.

Dù không đua về số lượng rạp chiếu tham vọng như các nhà đầu tư ngoại, các chủ rạp phim trong nước cũng đang âm thầm phát triển. Galaxy Cinema dự định tăng thêm 8 cụm rạp, trước mắt năm 2014 sẽ mở thêm 2 rạp.

Còn công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD), vốn chuyên về sản xuất phim, nhưng cũng đã ra mắt hai rạp chiếu phim tại TPHCM là BHD Star Cineplex 3/2 và BHD Star Cineplex Icon 68 tại Bitexco Financial Tower.

Những cuộc đua gay cấn

Nhìn vào thành công của các rạp chiếu phim, có thể thấy yếu tố quan trọng hàng đầu là việc đầu tư cơ sở vật chất như tăng số phòng chiếu, nâng cấp máy móc, thiết bị, nội thất, trang trí... Những cụm rạp tư nhân hiện đại như Megastar, Platinum, Lotte... đều làm tốt điều này ngay từ đầu và giữ chân được một lượng khách lớn, chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức, những người có thu nhập ổn định. Nắm bắt được điều này, các nhà chiếu phim đã đua nhau bước vào một công cuộc "cải tổ, làm mới mình" để hoạt động đem lại hiệu quả. Tất cả các rạp chiếu đều có những chiêu bài riêng của mình và dẫn đầu trong công cuộc này không ai khác vẫn là CJ – CGV của tập đoàn Hàn Quốc.

Với những kinh nghiệm và thực lực của mình, CJ – CGV sẽ "đánh" theo kiểu tổng lực. Tiêu chuẩn đầu tư một phòng chiếu của CJ – CGV từ 500 ngàn USD đến 1,5 triệu USD. Còn ở Việt Nam, mức đầu tư khoảng từ 2- 12 tỷ đồng, trung bình một rạp có 5 phòng chiếu. Ngay sau khi mua lại Megastar, CJ – CGV nắm tới hơn 60% doanh thu phòng vé ở Việt Nam, khoảng 20 – 23 triệu USD/ một năm.

Không chịu thua kém, Lotte Cinema cũng có 80 rạp, với 600 phòng chiếu. Với phương châm: "Trung tâm thương mại của tập đoàn Lotte mở đến đâu, rạp chiếu phim sẽ tới đó".

Một thông tin khác đang râm ran trong giới rạp chiếu phim là Galaxy đã nhận khoản đầu tư lớn từ Golden Screen Cinemas Malaysia. Đây là tập đoàn kinh doanh hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất ở Malaysia, dự kiến thương vụ này sẽ công bố trong năm 2015.

Trong khi cuộc đua diễn ra vô cùng gay cấn giữa các rạp chiếu phim thì một điều đáng nói khác ở đây là, trong số hàng loạt các giải pháp được đưa ra để cải tổ hoạt động và tạo hấp dẫn đối với công chúng, không thể bỏ qua các chương trình khuyến mãi đa dạng từ các rạp chiếu. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn thì khách hàng tìm đến khuyến mãi là một điều tất yếu. Từ các rạp chiếu có mức giá khủng nhất hiện nay như Megastar cho đến các rạp chiếu có giá vé thấp và hợp lý cũng đều có những khuyến mãi riêng cho khách xem phim. Các hình thức được lựa chọn khá đa dạng và thay đổi liên tục như: giảm giá vé vào giờ vàng, khuyến mãi học sinh, sinh viên, tặng nước uống, bỏng ngô, thịt bò khô, hoặc đồ lưu niệm... khi mua vé.

Bài toán kinh doanh hiệu quả và quảng bá thương hiệu luôn là vấn đề nóng hổi đã và đang được các đơn vị chiếu phim tìm lời giải đáp. Một thực tế là các rạp chiếu phim hiện nay phần lớn là các rạp tư nhân có ưu thế hơn hẳn các rạp nhà nước. Song nếu như có chiến lược phát triển đúng đắn thì cơ hội phát triển đều dành cho các rạp.

Điều cốt yếu là các rạp chiếu phim trong nước cần phải nhanh nhậy, kịp thời, thay đổi cả về hình thức và nội dung, tiếp cận với công nghệ khoa học kỹ thuật đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ. Chỉ có như vậy, các rạp chiếu phim mới chiếm được vị trí nhất định trong lòng công chúng. Bằng không, các rạp chiếu phim nhà nước sẽ bị mất dần thị phần, để rồi phải đóng cửa hoặc bị tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài thôn tính.