Các 'mắt xích' trong đường dây làm giả thẻ ngành công an, quân đội hoạt động như thế nào?

ANTD.VN - Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã điều tra làm rõ một đường dây chuyên làm giả thẻ ngành công an, quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Đường dây này do Đàm Đình Phú (sinh năm 1993, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cầm đầu.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ và bắt giữ 6 đối tượng trong đường dây gồm: Đàm Đình Phú (sinh năm 1993, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội); Đoàn Duy Thái (sinh năm 1997, trú tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương); Nguyễn Ngọc Lân (sinh năm 1989, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Đỗ Văn Hoàng (sinh năm 1998, trú tại huyện Sóc Sơn); Nguyễn Hữu Nam (sinh năm 1994, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội), và Phạm Văn Quý (sinh năm 1993, trú tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).

Qua công tác nắm tình hình, Công an quận Đống Đa phát hiện đường dây làm giả con dấu, tài liệu và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Trong đó có tình trạng làm giả con dấu và các tài liệu trong lực lượng công an và quân đội.

Các giấy tờ giả các đối tượng làm để lừa đảo ngân hàng

Xác định tính chất nghiêm trọng, nhạy cảm của vụ án, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an và quân đội, Công an quận Đống Đa đã khẩn trương điều tra, qua đó làm rõ và triệu tập 6 đối tượng trên đến trụ sở làm việc.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận ý đồ làm giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ngân hàng thông qua hình thức lập hồ sơ vay tiền.

Cụ thể, đầu tháng 7-2024 thông qua hội nhóm “Hỗ trợ vay vốn nợ xấu” trên mạng xã hội Facebook, Đàm Đình Phú quen một đối tượng có thể làm giả các giấy tờ trong ngành công an và quân đội (Giấy chứng minh công an nhân dân, Thẻ sĩ quan quân đội, Giấy xác nhận đơn vị công tác và Quyết định nâng lương thăng cấp bậc hàm...) để sử dụng vay tiền tại các ngân hàng, mục đích là để chiếm đoạt số tiền vay.

Thấy "cơ hội làm ăn", Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu, “bao bùng” (có nghĩa sau khi vay tiền ngân hàng, khách không phải trả số tiền đã vay).

Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu khách cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ như Căn cước công dân, Giấy chứng minh công an nhân dân, Thẻ sĩ quan quân đội. Sau khi các giấy tờ được làm giả hoàn tất, các đối tượng sẽ liên hệ nhân viên ngân hàng để làm thủ tục vay tiền.

Khoảng cuối tháng 8-2024, Phú thuê một căn nhà mở văn phòng tư vấn cho vay và lôi kéo Đoàn Duy Thái về làm cùng. Từ đây, Phú đã chủ động làm giấy tờ giả. Trong đó, Thái có nhiệm vụ soạn thảo các văn bản như giấy xác nhận đơn vị công tác, sửa Quyết định nâng lương thăng cấp bậc hàm, đặt làm các biển tên trong ngành công an và quân đội, tìm khách hàng cần vay tiền để làm giả hồ sơ. Về việc giả các chữ ký của người có thẩm quyền thì Phú và Thái là người thay nhau ký.

Các đối tượng đã làm được 4 bộ hồ sơ chuyển đến nhân viên ngân hàng để vay tiền. Số tiền chiếm đoạt được của các ngân hàng, các đối tượng sẽ chia nhau theo tỷ lệ nhất định, được thỏa thuận trước.

Đối với vai trò của Nguyễn Ngọc Lân trong vụ án này, Lân biết rõ Thái có thể làm giả giấy tờ ngành công an và quân đội để vay tiền, nhưng gã vẫn giới thiệu Đỗ Văn Hoàng cho Thái để các đối tượng làm giả các giấy tờ cho Hoàng với mục đích lập hồ sơ giả vay tiền ngân hàng. Trong vụ việc này, Lân có vai trò hỗ trợ giúp sức cho các đối tượng để tạo niềm tin đối với nhân viên ngân hàng. Đối với hồ sơ được giải ngân, Lân được hưởng lợi 5 triệu đồng.

Đỗ Văn Hoàng đã có hành vi cung cấp hình ảnh chân dung của bản thân để các đối tượng làm ra các giấy tờ giả. Khi gặp nhân viên ngân hàng, tuy không làm việc trong lực lượng vũ trang, nhưng Hoàng đã tạo vỏ bọc là cán bộ công an nhằm mục đích vay được số tiền 300 triệu đồng. Nếu được giải ngân số tiền trên, Hoàng sẽ được hưởng lợi 90 triệu đồng.

Nguyễn Hữu Nam biết rõ các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ vay tiền mang mà Đàm Đình Phú cung cấp là giả. Tuy nhiên Nam vẫn tiếp tục cung cấp các giấy tờ, tài liệu giả cho nhân viên ngân hàng để làm thủ tục vạy tiền. Nếu thành công Nam sẽ hưởng lợi 10% trên tổng số tiền vay.

Phạm Văn Quý đã cung cấp căn cước công dân, hình ảnh chân dung của bản thân để các đối tượng làm giả các giấy tờ, lập hồ sơ vay tiền tại ngân hàng. Quý tự nhận là cán bộ quân đội để gặp nhân viên ngân hàng nhằm tạo niềm tin. Quý là người nhận giấy tờ giả từ Phú sau đó sử dụng số giấy tờ giả cung cấp cho nhân viên ngân hàng để làm thủ tục vay tiền. Nếu được giải ngân số tiền trên Quý sẽ được hưởng lợi 70 triệu đồng.

Căn cứ các tài liệu chứng cứ, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với các đối tượng về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; đồng thời củng cố hồ sơ để tiếp tục làm rõ về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".