Cả chục nhà máy thép xin xây dựng, Bộ Giao thông “cảnh báo” dư cung, cạnh tranh thiếu lành mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện nay, tổng số nhà máy thép mà các tỉnh đang đề xuất là 11 nhà máy. Trong đó, có 3 nhà máy đang hoạt động, 2 nhà máy đang xây dựng và 6 nhà máy chưa xây dựng.

Tại cuộc họp về quy hoạch các bến cảng biển chuyên dùng phục vụ các nhà máy thép diễn ra vào cuối tuần, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xin xây dựng cảng chuyên dùng phục vụ riêng cho nhà máy thép với quy mô đề xuất rất lớn.

Dù quy mô, công suất, cỡ tàu của các bến này hầu như không ảnh hưởng lớn đến Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, số lượng và tổng công suất của các nhà máy thép dự báo rất lớn mà trong quá trình quy hoạch, doanh nghiệp nào cũng muốn tiến hành xây dựng ngay các bến cảng.

Đại diện Viện Chiến lược và Phát triển GTVT thông tin, hiện nay, tổng số nhà máy thép mà các tỉnh đang đề xuất là 11 nhà máy. Trong đó, có 3 nhà máy đang hoạt động, 2 nhà máy đang xây dựng và 6 nhà máy chưa xây dựng.

Bến cảng Xuân Thiện Nam Định bị Bộ GTVT yêu cầu xem xét lại hiệu quả đầu tư

Bến cảng Xuân Thiện Nam Định bị Bộ GTVT yêu cầu xem xét lại hiệu quả đầu tư

Trong 11 nhà máy thép, đã có 9 nhà máy có chủ trương đầu tư hoặc đã đầu tư, 2 nhà máy chưa chính thức có chủ trương đầu tư nhưng hiện đã triển khai các bước quy hoạch như khu liên hợp gang thép VAS Nghi Sơn, Thanh Hóa và khu liên hợp gang thép Quảng Trị. Hai khu vực này thuộc nhóm cảng biển số 2 và do chưa có chủ trương đầu tư của địa phương nên chưa đưa ra dự báo.

Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt cũng cho rằng, ngành giao thông luôn “mở đường” cho các dự án, nhưng nếu thấy có những vấn đề bất hợp lý, các cơ quan quản lý cũng cần có ý kiến để phục vụ việc quy hoạch nhóm cảng biển có hiệu quả.

Đồng thời, các vấn đề về tổng kinh phí đầu tư, hiệu quả đầu tư và tác động môi trường của các dự án cũng cần xem xét kỹ lưỡng.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, các cảng, bến phục vụ các nhà máy thép, kho xăng dầu, khí đốt... thường là bến cảng chuyên dùng. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư sẽ là vấn đề cần xem xét.

Theo dự báo của CTCP tư vấn Xây dựng công trình hàng hải (CMB), đến năm 2030, tổng nhu cầu thép sẽ là 42 triệu tấn/năm, trong khi hiện nay danh mục sản lượng các nhà máy thép đăng ký hiện đã là 58 triệu tấn/năm.

Ông Sang lấy ví dụ, khu vực đề xuất bổ sung bến cảng Xuân Thiện Nam Định nằm ở vùng bồi lắng cao. Nhưng địa phương và chủ đầu tư đang đề xuất xây dựng cảng có năng lực lớn để có thể đón tàu tải trọng khoảng 300.000 tấn. Do đó, vấn đề e ngại sẽ là hiệu quả đầu tư. Bộ GTVT đã làm việc với địa phương và chủ đầu tư để đề nghị đánh giá khả năng hiệu quả đầu tư của dự án đề xuất.

Đối với lĩnh vực luyện kim, lãnh đạo Bộ GTVT bày tỏ sự quan ngại quá nhiều nhà máy thép. Theo Thứ trưởng Sang, với vai trò quản lý Nhà nước, ngoài quy hoạch nguồn hàng, nguồn cung, Bộ GTVT cũng e ngại tổng sản lượng thép quá nhiều.

“Có những nhà máy không chỉ phục vụ cho nhu cầu của Việt Nam mà cả xuất khẩu. Sản lượng thép quá nhiều có thể dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc lập quy hoạch để điều tiết một cách hợp lý”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.

Bởi vậy, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu thêm để có thể đưa ra các dự báo, ý kiến để thống nhất với Bộ GTVT nội dung đưa vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.