Bước đi đúng hướng mở đường cho việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ - Cuba

ANTD.VN - Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những ngày cuối tại nhiệm đã đưa Cuba ra khỏi “danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố” là một bước đi đúng hướng, giúp nới lỏng các biện pháp cấm vận phi lý chống Cuba, đồng thời có thể mở đường cho việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Hủy bỏ cáo buộc phi lý chống Cuba

Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Cuba trong những ngày cuối cùng tại nhiệm của Tổng thống Joe Biden đã được cải thiện khi vị chủ nhân Nhà trắng quyết định đưa Cuba ra khỏi bản “danh sách đen” của Washington, đó là “danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố”. Nhà trắng nêu rõ, quyết định này được đưa ra sau khi Chính quyền Mỹ hoàn tất đánh giá và xác định rằng không có bằng chứng nào cho thấy Cuba đang hỗ trợ khủng bố quốc tế.

Việc chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đưa Cuba ra khỏi “các quốc gia bảo trợ khủng bố” đã đảo ngược quyết định trước đó trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump khi đưa đảo quốc Caribbean vào bản “danh sách đen” này. Quyết định này cũng gạt bỏ một trong những cáo buộc phi lý để lấy đó làm cái cớ áp đặt các lệnh trừng phạt, cùng hàng loạt hạn chế trong quan hệ, giao thương giữa Mỹ và Cuba.

Cách đây hơn 60 năm, ngay sau cuộc cách mạng do lãnh tụ Fidel Castro lãnh đạo lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista vào ngày 1-1-1959 và đặc biệt là sau chiến thắng Hiron của cách mạng Cuba (9-4-1961) và đất nước Caribe này tuyên bố đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, Mỹ đã bắt đầu thực hiện chính sách cấm vận và ngày càng siết chặt cuộc bao vây kinh tế thương mại và tài chính chống Cuba. Thất bại trong trận Hiron - một thất bại quân sự đầu tiên của Mỹ ở châu Mỹ, Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight Eisenhower đã tuyên bố rằng, biện pháp duy nhất Mỹ có thể làm được là làm thế nào để ngày càng có ít đi sự ủng hộ trong nước đối với cách mạng Cuba, tức là thông qua sự bất mãn với những khó khăn thiếu thốn về kinh tế, để cách mạng Cuba tự sụp đổ. Trong hơn 60 năm qua, bất chấp sự bao vây cấm vận phi lý và bất công của Mỹ, cách mạng và nhân dân Cuba vẫn tiếp tục bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, chủ quyền của mình. Đồng thời giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là về y học, được thế giới thừa nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đã gây những thiệt hại nặng nề, cản trở lớn tới sự phát triển của Cuba. Trong hơn 6 thập niên qua, lệnh cấm vận của Mỹ gây thiệt hại cho Cuba khoảng hơn 164 tỷ USD. Chỉ riêng từ ngày 1-3-2023 đến ngày 29-2-2024, Cuba chịu thiệt hại khoảng 5 tỷ USD, tức khoảng 421 triệu USD mỗi tháng, 13,8 triệu USD mỗi ngày hoặc 575.000 USD mỗi giờ do lệnh cấm vận của Mỹ, một trong những lệnh cấm vận hà khắc và kéo dài nhất trong lịch sử.

Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Cuba được cải thiện đáng kể dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama (2008-2016). Ngày 17-12-2014, nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro và Tổng thống Barack Obama đã cùng tuyên bố bắt đầu nối lại quan hệ bình thường và tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015 sau hơn nửa thế kỷ đối đầu. Tổng thống Barack Obama vào năm 2016 đã có chuyến thăm lịch sử tới Cuba và trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên đảo quốc láng giềng này kể từ năm 1928. Vào thời điểm đó, Mỹ đã đưa Cuba ra khỏi “danh sách đen” và nới lỏng các lệnh cấm du lịch tới hòn đảo này.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ và Cuba đảo chiều khi Tổng thống Donald Trump nắm quyền. Năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, triển khai thêm nhiều biện pháp trừng phạt và một lần nữa đưa Cuba vào "danh sách đen" do Washington áp đặt. Hơn thế, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ còn áp đặt thêm hơn 240 lệnh trừng phạt mới đối với Cuba. Các lệnh cấm vận chồng lên lệnh cấm vận của Mỹ đã khiến người dân Cuba không thể tiếp cận được với thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu thiết yếu.

Cần dỡ bỏ tất cả các lệnh cấm vận chống Cuba

Cùng với việc đưa Cuba khỏi “danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố”, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn ký một bản ghi nhớ an ninh quốc gia nhằm điều chỉnh các chính sách liên quan đến giao dịch tài chính giữa một số cá nhân và tổ chức của Cuba và Mỹ, thay thế quy định được ban hành vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump. Theo đó, sự điều chỉnh này về cơ bản sẽ chấm dứt các hạn chế đối với một số cá nhân và tổ chức Cuba thực hiện giao dịch tài chính với các cá nhân và tổ chức của Mỹ.

Việc được đưa ra khỏi “danh sách đen” cũng như ký bản ghi nhớ an ninh quốc gia, chính quyền Mỹ đã cơ bản chấm dứt các hạn chế đối với một số cá nhân và tổ chức của Cuba thực hiện giao dịch tài chính với các cá nhân và tổ chức của Mỹ. Điều này giúp ích đáng kể tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của đảo quốc Caribbean. Giới quan sát vì thế cho rằng, những quyết định mới của Mỹ và Cuba có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội cải thiện quan hệ song phương. Dù một viễn cảnh tương lai thật sự sáng lạn chưa hiển hiện, nhưng động thái này chắc chắn là tiền đề để hai bên tiến tới đối thoại về các vấn đề gây tranh cãi, căng thẳng khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla ngay sau đó đã cho rằng, việc Chính phủ Mỹ đưa Cuba khỏi “danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố” là quyết định nghiêm túc, quan trọng và đúng hướng, mặc dù rất hạn chế và muộn. Bộ trưởng Bruno Rodríguez nêu rõ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra những quyết định này dựa trên sự thừa nhận rằng chính sách mà họ áp dụng đối với Cuba là một chính sách lỗi thời và không đóng góp cho các mục tiêu hoặc lợi ích quốc gia của Mỹ. Ông nhấn mạnh thêm, Cuba không bao giờ nên được đưa vào danh sách những quốc gia tài trợ khủng bố vì nước này là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Cuba cũng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận chống Cuba, đồng thời khẳng định Cuba sẽ tiếp tục bảo vệ quyền của mình với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, luôn luôn và sẽ tiếp tục cởi mở đối thoại trên cơ sở bình đẳng và phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Bruno Rodríguez nêu rõ, quyết định của Mỹ được người dân Cuba hoan nghênh và hy vọng rằng điều này có thể mở đường cho cải thiện quan hệ song phương.

Dư luận quốc tế và khu vực cũng đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tổ chức Liên minh Bolivar cho châu Mỹ-Hiệp định Thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP) cho rằng, Cuba đáng lẽ không bao giờ nên bị nêu tên trong danh sách các quốc gia mà Washington cho là tài trợ khủng bố. Các thành viên khối liên kết khu vực Mỹ Latin và Caribe này khẳng định, cách mạng Cuba đã chứng minh cam kết vững chắc trong cuộc chiến chống khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, do đó việc Mỹ ghi tên Cuba và duy trì “danh sách đen” là phi lý.

Bộ Ngoại giao Brazil ngày 15-1 đã lên tiếng hoan nghênh việc Tổng thống Joe Biden thu hồi quyết định đơn phương coi Cuba là quốc gia tài trợ khủng bố, cũng như việc đình chỉ áp dụng điều III của Đạo luật Helms-Burton. Bộ Ngoại giao Brazil khẳng định, đây là bước đi "đúng hướng" và đại diện cho việc “khôi phục công lý và luật pháp quốc tế," đồng thời bày tỏ hy vọng “các biện pháp này có thể định hướng con đường hướng tới một chuẩn mực quan hệ mang tính xây dựng giữa Cuba và Mỹ, dựa trên đối thoại, hợp tác và tôn trọng các chuẩn mực quốc tế".

Các nước Venezuela, Bolivia, Colombia, Honduras… đều đánh giá đây là thắng lợi của sự thật và công lý, đánh dấu sự công nhận chủ quyền và cuộc đấu tranh bền bỉ của người dân Cuba. Các quốc gia Mỹ Latin này khẳng định, ủng hộ và yêu cầu tôn trọng đầy đủ chủ quyền quốc gia của Cuba, đồng thời nhắc lại yêu cầu Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính chống Cuba.