Bùng phát bạo lực ở Colombia sau khi “trùm băng đảng” bị dẫn độ sang Mỹ

ANTD.VN -  Colombia tuần này đã cử thêm 2.000 quân và cảnh sát để hỗ trợ gần 50.000 binh sĩ đang được triển khai ngăn chặn một băng nhóm đã đốt xe và đe dọa người dân để trả đũa cho việc dẫn độ thủ lĩnh của họ về Mỹ.

Binh sĩ Colombian tại hiện trường một chiếc xe bị băng đảng Gulf Clan đốt cháy ở Yarumal, tỉnh Antioquia

Kể từ ngày 5-5, các thành phố, thị trấn và làng mạc trên khắp miền Bắc Colombia đã bị băng đảng ma túy Gulf Clan trút cơn phẫn nộ để trả đũa cho việc cựu thủ lĩnh Dairo Antonio Úsuga, biệt danh là Otoniel bị dẫn độ sang Mỹ trước đó một ngày. Otoniel phải đối mặt với nhiều cáo buộc buôn bán ma túy ở Mỹ, cũng như hơn 120 cáo buộc ở Colombia, bao gồm giết người, tuyển dụng bất hợp pháp, bắt cóc đòi tiền chuộc, lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, khủng bố, sở hữu trái phép vũ khí và buôn bán ma túy. Nhưng trong khi các công tố viên ở New York tạm hài lòng rằng Otoniel cuối cùng sẽ phải đối mặt với công lý, người dân Colombia bỗng trở thành nạn nhân của băng đảng dưới quyền “ông trùm” này.

Để trả thù cho ông trùm, băng đảng Gulf Clan đã bao vây khu vực miền Bắc Colombia, chặn các con đường chính và cấm mọi người ra ngoài, kể cả mua thực phẩm. Một người dân ở Apartado, thành phố 200.000 dân ở vùng Uraba cho biết: “Mọi thứ đã đóng cửa kể từ trưa 5-5. Chúng tôi không biết điều này sẽ tiếp diễn trong bao lâu. Nguồn nước và điện tiếp tục cạn kiệt, không có phương tiện giao thông và thực phẩm cũng sắp hết. Chúng tôi chỉ còn cách chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.

Video được người dân chia sẻ cho thấy những con phố vốn buôn bán tấp nập giờ đã hoàn toàn vắng vẻ. “Nhà nước không có quyền kiểm soát ở đây. Toàn bộ thành phố đóng cửa, xe buýt bị đốt cháy, và không ai có thể rời khỏi nhà”, một lãnh đạo cộng đồng ở Montería, thủ phủ của tỉnh Córdoba, cho biết. Ở một số thị trấn, thành viên của nhóm bán quân sự Gulf Clan tuyên bố rằng, cuộc tấn công vũ trang sẽ kéo dài trong 4 ngày và bọn chúng sẽ không chịu trách nhiệm về “hậu quả có thể không thuận lợi”. Các cửa hàng, trường học và các tòa nhà chính phủ đã bị đánh dấu bằng phù hiệu của nhóm. “Chúng tôi mới là tù nhân, không phải Otoniel. Mọi người đều bị giam giữ trong nhà, và không có bất cứ thứ gì, thậm chí cả xe cấp cứu. Đây là một sự hỗn loạn trong im lặng”, một người dân nói.

Trước khi bị bắt, Otoniel là kẻ bị truy nã gắt gao nhất ở Colombia và chính phủ đã treo thưởng 800.000 USD cho thông tin về tung tích của hắn ta, trong khi Mỹ đã đặt mức treo thưởng lên đến 5 triệu USD. “Ông trùm” sa lưới tại nơi ẩn náu ở vùng nông thôn của tỉnh Antioquia, Tây Bắc Colombia vào tháng 10-2021, gần biên giới với Panama trong một chiến dịch có sự tham gia của 500 binh sĩ được hỗ trợ bởi 22 máy bay trực thăng, kết thúc cuộc truy lùng kéo dài 7 năm. Vào tháng trước, Tòa án tối cao Colombia đã chấp thuận việc dẫn độ hắn sang Mỹ. Việc bắt giữ thủ lĩnh Otoniel được chính quyền Mỹ và Colombia ca ngợi là một đòn giáng mạnh vào băng nhóm này nhưng ngay sau đó, hai tay chân thân cận của hắn là Gonzalito và Chiquito Malo tiếp tục chỉ huy mạng lưới này.

Gulf Clan hoạt động ở nhiều tỉnh và có mối liên hệ rộng rãi với quốc tế. Băng nhóm tham gia vào các hoạt động buôn lậu ma túy, buôn người, khai thác vàng trái phép và tống tiền. Với khoảng 1.800 thành viên vũ trang, chủ yếu được tuyển mộ từ các nhóm bán quân sự cực hữu, băng đảng này kiểm soát nhiều tuyến đường được sử dụng để buôn lậu ma túy từ Colombia đến Mỹ, và thậm chí đến cả Nga. Các nhà chức trách ở Mỹ đã mô tả nhóm này “vũ trang nặng nề và cực kỳ bạo lực”.

Chính quyền Colombia đã đối phó với tình hình bạo lực mới nhất bằng chiến dịch chống khủng bố, chủ yếu nhằm dỡ bỏ các hàng rào phong tỏa do Gulf Clan lập ra. “Chỉ thị cho các chỉ huy là triển khai tất cả khả năng, và đặc biệt là tấn công chống lại những tên tội phạm này”, người phát ngôn của cảnh sát quốc gia nước này cho biết vào sáng 6-5.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng, làn sóng khủng bố ở miền Bắc Colombia là hậu quả có thể đoán trước. “Đây là một minh chứng hoàn hảo cho thấy cách xử lý của nhà chức trách Colombia đối với các nhóm như Gulf Clan, với phương châm tóm kẻ đứng đầu mà không tính đến các hành vi kiểm soát xã hội của bọn chúng”, Elizabeth Dickinson, nhà phân tích Colombia tại Viện nghiên cứu chính sách Nhóm Khủng hoảng quốc tế nhận định.