Bùng nổ chương trình liên kết đào tạo thời dịch Covid-19

ANTD.VN - Cơ hội với các trường đại học có mở chương trình liên kết đào tạo với trường nước ngoài được đánh giá là đầy tiềm năng khi du học sinh không còn lựa chọn nào tốt hơn. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng các chương trình này lại chưa thực sự khiến người học yên tâm.

Các trường đại học trong nước đang tích cực chuẩn bị cho làn sóng du học tại chỗ với các chương trình liên kết đào tạo

Nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của du học sinh về nước

Hơn 40 hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam và đại diện sứ quán các nước vừa có buổi làm việc để bàn giải pháp thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đại dịch Covid-19 khiến nhiều du học sinh lúng túng trước câu hỏi nếu trở về Việt Nam sẽ học ở đâu? Do đó, đây sẽ là dịp tốt để các cơ sở đào tạo đại học đón sinh viên Việt Nam đang du học ở nước ngoài trở về nước, đồng thời là cơ hội để tiếp nhận sinh viên nước ngoài tới học tập tại Việt Nam.

GS Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, thực hiện Công văn số 2582/BGDĐT-GDĐH ngày 15-7-2020 của Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tạo điều kiện tối đa cho du học sinh đủ điều kiện và có nguyện vọng theo học tại các khoa, trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo đó, một số trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội đã phát thông báo tiếp nhận du học sinh Việt Nam. Trường ĐH Ngoại ngữ tiếp nhận du học sinh các ngành Kinh tế, Tài chính, Kế toán, Marketing... trở về từ các nước Hoa Kỳ, Anh, Australia, New Zealand, Đức… có mong muốn tiếp tục học tập trong chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Kinh tế - Tài chính liên kết với ĐH Southern New Hampshire (Hoa Kỳ). Nhà trường xét công nhận các điểm môn học hiện có của các em căn cứ vào ngành học và số tín chỉ đã được tích lũy tại nước ngoài. Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiếp nhận các du học sinh đáp ứng những yêu cầu: Chứng chỉ tiếng Anh trình độ B2 trở lên (chứng chỉ còn thời hạn). Đang là sinh viên thuộc lĩnh vực kinh tế, học tập tại nước ngoài bằng tiếng Anh.

Trước nhu cầu được tiếp tục học tập trong nước sau khi bị gián đoạn vì Covid-19 của nhiều du học sinh, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, nhà trường luôn sẵn sàng đón nhận những du học sinh đủ điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục học tập các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của trường. Theo PGS Bùi Đức Triệu, nhà trường đang triển khai hơn 10 chương trình liên kết đào tạo quốc tế ở tất cả bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Việc tiếp nhận du học sinh sẽ dựa trên kết quả học tập, số tín chỉ đã tích lũy trong thời gian học ở nước ngoài để xem xét miễn giảm hoặc học bổ sung tín chỉ, học phần.

200 chương trình liên kết đào tạo bị tuýt còi

Thông tin từ Bộ GD-ĐT, hiện Việt Nam có 70 cơ sở giáo dục đại học cung cấp chương trình giáo dục quốc tế, hơn 600 chương trình liên kết đào tạo. Tuy nhiên, trong đó đã có tới gần 200 chương trình đã bị cho tạm dừng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng công nhận: “Bên cạnh những chương trình tốt không phải không có những chương trình chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra tới đây là mở chương trình nào phải tốt chương trình đó. Xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật”.

Bộ trưởng cho biết thêm, thông qua việc rà soát, đánh giá các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, Bộ đã buộc phải cho dừng lại gần 200 chương trình liên kết bởi lý do không đảm bảo chất lượng công bố. Với số lượng sinh viên Việt Nam đang học tại nước ngoài khoảng 192.000 người cùng với số sinh viên quốc tế đến Việt Nam học trong 5 năm qua mỗi năm tăng 10%, đây sẽ là nguồn khai thác cho các chương trình liên kết đào tạo khi mà thị trường du học ở các nước trên thế giới chưa thể ổn định trong thời gian tới vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Bộ GD-ĐT đánh giá, nhu nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục quốc tế và chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là rất lớn.

Trước nhu cầu lớn theo học chương trình quốc tế, điều người học băn khoăn là làm sao để khẳng định chất lượng các chương trình này khi mà đã có tới 200 chương trình liên kết phải đóng cửa. GS Ray Gordon - Hiệu trưởng Đại học Anh quốc tại Việt Nam cũng cho rằng, hiện rất nhiều đại học trên thế giới đang nhắm tới thị trường Việt Nam. Do vậy, việc giải trình là điều cần thiết bởi các trường đại học nước ngoài không muốn đầu tư vào những trường không minh bạch. Bà Dương Hồng Loan - Giám đốc Đối ngoại chiến lược, ĐH RMIT bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ đóng vai trò làm trọng tài, thông tin rõ với dư luận về các chương trình đào tạo liên kết, tránh tình trạng nhập nhèm, gây thiệt thòi cho phụ huynh và học sinh. “Việc Bộ làm trọng tài sẽ tạo ra một môi trường minh bạch, công khai và trung thực, bởi chi phí cho đào tạo cho chương trình này không phải là ít” - bà Loan nói.

Còn PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội góp ý, các trường nên chọn đối tác chiến lược một cách chọn lọc thay vì gặp ai cũng mời hợp tác. Việc hợp tác nên dần tiến tới bình đẳng, các trường cần xây dựng thương hiệu của chính mình chứ không nên chỉ dựa vào thương hiệu của trường đối tác. Vì vậy, các trường cần mở ra những ngành liên kết đào tạo nhiều lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch,… bởi đây là các lĩnh vực rất cần đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng để mở rộng liên kết đào tạo theo tín chỉ hoặc nhóm tín chỉ, từ đó mở rộng cơ hội trải nghiệm cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam.

Phản hồi về về vấn đề này, Bộ trưởng GD-ĐT cho biết, tới đây Bộ sẽ yêu cầu các trường phải giải trình tất cả các chương trình, kể cả chương trình quốc tế nghiêm túc. Điều này nhằm tránh tình trạng cứ khoác vỏ quốc tế là thu tiền nhưng chương trình không xứng với chất lượng.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT, hiện Việt Nam có 70 cơ sở giáo dục đại học cung cấp chương trình giáo dục quốc tế, hơn 600 chương trình liên kết đào tạo. Tuy nhiên, trong đó đã có tới gần 200 chương trình đã bị cho tạm dừng.