'Bóng ma' B-1B vần vũ trên bầu trời Triều Tiên, nhưng sẽ không ra đòn phủ đầu?

ANTD.VN - Được coi là loại máy bay ném bom chiến lược có sức tấn công khủng khiếp, Mỹ thường dùng để đe dọa tấn công Triều Tiên mỗi khi nước này phóng tên lửa, tuy nhiên nếu tấn công phủ đầu, đòn đánh đầu tiên lại không phải là máy bay ném bom B-1B Lancer.

Hình ảnh kinh hoàng khi máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ trút bom xuống mục tiêu. Với tầm bay xa, khả năng bán tàng hình, cùng kho vũ khí lớn, B-1B chính là một trong những vũ khí hủy diệt của Mỹ.

Gần như lập lại mỗi khi Triều Tiên phóng tên lửa, Mỹ lại điều 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer bay qua bán đảo này như một hành động đe doạ đáp trả.

B-1B Lancer dài 44,5 m, cao 10,4 m, với sải cánh 24 m khi cụp và 42 m khi xòe

B-1B được trang bị 4 động cơ phản lực General Electric F101-GE-102 giúp có thể đạt vận tốc 1.335 km/h ở độ cao trên 15.000m và 1.100km/h trong độ cao 60 tới 152m.

B-1B Lancer có thể mang 84 bom Mk-82, 24 bom thông minh GBU-31 JDAM, 48 bom thông minh GBU-38 JDAM.

Đặc biệt nó có thể mang theo 12 bom lượn AGM-154 JSOW (còn gọi là vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không điểm), hoặc 24 tên lửa AGM-158 JASSM tầm bắn 370km.

B-1B Lancer có tải trọng cất cánh tối đa 216,4 tấn. Nó có thể mang 57 tấn vũ khí, bao gồm 34 tấn bom ở các khoang chứa trong thân và 23 tấn vũ khí dưới các giá treo bên ngoài. 

Tuy có sức mạnh kinh hoàng như thế, nhưng nhiều chuyên gia quân sự phân tích, nếu phải tấn công phủ đầu Mỹ sẽ không sử dụng B-1B Lancer cho đòn đánh đầu tiên.


Hệ thống phòng không của Triều Tiên không thể coi thường khi họ có lưới lửa phòng không nhiều tầng. Dù sao máy bay B-1B với kích cỡ to lớn, sẽ là mồi ngon cho hệ thống đánh chặn.


"Sứ giả chiến tranh" Tomahawk vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu cho đòn đánh đầu tiên.


Tiếp đến sẽ là máy bay tàng hình, bao gồm máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và siêu tiêm kích F-22 Raptor đánh phá sân bay, cũng như hệ thống radar để vô hiệu hóa khả năng phòng không của Triều Tiên.


Sau đó mới là sự xuất hiện của các phi cơ ném bom chiến lược để ném bom rải thảm tiêu diệt các căn cứ hạt nhân cũng như các căn cứ tên lửa chiến lược.


Vai trò thực sự lúc này của B-1B Lancer mới được thể hiện.

Sức kháng cự của quân đội Triều Tiên được đánh giá không thể coi thường. Dù tiềm lực kinh tế gặp khó khăn, nhưng quân đội nước này lại rất mạnh mẽ.

Vì thế việc dùng máy bay ném bom B-1B bay ngang qua bán đảo Triều Tiên được coi mang ý nghĩa răn đe để gây sức ép ngoại giao nhiều hơn là ý nghĩa hiệu quả chiến lược khi có xung đột.

Trong hình là hệ thống phòng không S-125 của Triều Tiên.

Dường như cả Mỹ và Triều Tiên đang dùng dằng trong chiến lược. Triều Tiên vẫn sẽ phóng tên lửa, nhưng sẽ không thử hạt nhân, việc thử hạt nhân được coi là giới hạn đỏ.

Trong khi đó Mỹ cũng chỉ điều những máy bay ném bom B-1B hoặc triển khai những tàu chiến đang ở gần khu vực này. Họ vẫn chưa có động thái điều những vũ khí thực sự có hiệu quả với Triều Tiên như B-2, F-22.


Cục diện tại bán đảo Triều Tiên sắp tới vẫn sẽ phức tạp, nhưng các bên sẽ kiềm chế để không bước qua lằn ranh đỏ. Bởi lẽ xung đột trên bán đảo này sẽ là cơn ác mộng với cả hai bên.