'Bóng hồng thép' Việt Nam trong phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc

ANTD.VN - Ít ngày nữa, thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga (Trợ lý Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam) sẽ lên đường sang Nam Sudan làm nhiệm vụ theo dõi các hoạt động quân sự tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên Hợp Quốc (LHQ). Đây là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia vào lực lượng quốc tế này.

Ngày 30-10, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao quyết định và giao nhiệm vụ cho Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, sĩ quan thuộc Trung tâm GGHB Việt Nam, lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Xu-đăng.

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là cán bộ thứ 20 và là nữ sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ.

Để chuẩn bị tốt các kiến thức quân sự, kiến thức GGHB, Thiếu tá Hằng Nga đã tham gia các khóa tập huấn về sĩ quan tham mưu quân sự, quan sát viên quân sự, nữ sĩ quan LHQ, quan hệ quân-dân sự LHQ, sĩ quan thông tin LHQ… tại Sri Lanka, Uganda, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Hình ảnh nữ sĩ quan Đỗ Thị Hằng Nga bên cạnh các đồng nghiệp của mình tại lớp huấn luyện GGHB LHQ.

Khi chuẩn bị hành lý cho 12 tháng ở đất nước châu Phi, chị cất kỹ bộ áo dài truyền thống bên cạnh những bao gạo, thùng mì tôm và lương khô với hy vọng những dịp lễ tết sẽ có cơ hội giới thiệu văn hóa Việt Nam

Sinh năm 1981, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin tại một trường đại học Hà Nội, chị Nga nhập ngũ năm 2004 và chuyển ngạch sĩ quan năm 2012. 

Nhiệm vụ chính của chị tại Trung tâm Gìn giữ Hòa Bình là phụ trách trang thông tin điện tử của trung tâm và mạng LAN. Được chỉ huy phát hiện có khả năng làm công tác đối ngoại, chị bắt đầu tham gia tập huấn hơn một năm để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng. 

Là phụ nữ Việt Nam tiên phong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, thiếu tá Nga xem đây là vinh dự với bản thân và gia đình.

 Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi lo lắng. “Khi nhận nhiệm vụ, tôi đã tìm hiểu qua đồng nghiệp, bạn bè và Internet, biết Nam Sudan là nước nghèo, tình hình bất ổn, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Liên Hợp Quốc. Tôi cũng lo lắng khi làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa, mình sẽ phải làm gì để làm quen và bắt nhịp với công việc trong thời gian ngắn nhất”, nữ sĩ quan người Hà Nội chia sẻ.

Sĩ quan GGHB khi làm việc tại trụ sở LHQ ở Nam Sudan phải tự thuê nhà, tự nấu ăn trong điều kiện thiếu thốn, song thiếu tá Nga tự tin làm được. Nữ sĩ quan này đặt mục tiêu làm quen với môi trường và ổn định trong 1-2 tháng. 

“Tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ, nếu có niềm tin và đam mê thì cứ theo đuổi. Vì tôi cũng chưa từng nghĩ khi đã chạm tuổi nhiều phụ nữ xem là an phận mà vẫn còn đi học tiếng Anh, thay đổi công việc và cách tư duy. Tôi nghĩ mình sẽ làm được. Các bạn trẻ hơn tôi không có lý do gì không thể làm và thành công”, chị Nga nói.

Ở Hàn Quốc, thiếu tá Nga học lái xe hai cầu, đối phó khi hỏng lốp, sơ cứu khi bị thương và gặp người bị thương… Trong khóa học về tham mưu, chị được giao tình huống bị bắt làm con tin khi đang đi tuần tra, tìm cách giải thích và thuyết phục để nhóm bắt cóc đồng ý thả người, nếu không sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Thời gian ở Việt Nam, thiếu tá Nga tham gia các lớp của chuyên gia Australia và Mỹ để cải thiện khả năng ngoại ngữ. Họ đều là người bản địa ở quốc gia nói tiếng Anh và tham gia quân đội nên có thể vừa dạy về gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, vừa giúp nâng cao phát âm, ngữ pháp cho các sĩ quan.

“Với sĩ quan gìn giữ hòa bình, họ không phân biệt nữ hay nam. Công việc tôi đảm nhiệm như nam giới. Không phải vì là nữ nên bạn được ưu tiên chỉ trực ngày, không trực đêm. Tôi sẽ không từ chối việc gì trong khả năng vì muốn giữ hình ảnh người lính Việt Nam”, thiếu tá Nga nhấn mạnh.

Trong hơn ba năm gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã cử được 19 sĩ quan đi làm nhiệm vụ. Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là người thứ 20, tăng tỷ lệ nữ tham gia gìn giữ hòa bình và thể hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc là bình đẳng giới. Hiện Nam Sudan có hai sĩ quan Việt Nam, đồng thời có sự tham gia của một số nữ sĩ quan từ nước khác.