Bóng đá Việt còn nhiều chuyện lạ

ANTĐ - Cuối cùng thì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đã có danh sách các đề cử cuối cùng của ban chấp hành cũng như các chức danh chủ chốt trước khi tiến hành đại hội VFF nhiệm kỳ 7 vào đầu tháng 6 tới. 

Cho đến thời điểm này, các chức danh chủ chốt hầu như không có người mới. Đặc biệt là vị trí quan trọng nhất, chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7, sau khi nhiều người từ chối, hiện vẫn chỉ còn có 2 ứng cử viên. Nâng lên đặt xuống, rồi Bộ VH-TT&DL đã quyết định giới thiệu người mà mình “chọn mặt gửi vàng” vào vị trí Chủ tịch VFF khóa 7. Gương mặt được Bộ chọn là Thứ trưởng Lê Khánh Hải. Ứng cử viên còn lại là ông Lê Hùng Dũng, hiện là Phó chủ tịch VFF .

Thực ra ở danh sách cuối cùng, không nhất thiết phải có nhiều ứng cử viên. Vấn đề là theo cách nhìn chung của cộng đồng bóng đá, ở thời điểm bóng đá Việt Nam đang khó khăn như hiện nay, VFF rất cần có một lãnh đạo thực sự hội đủ các yếu tố uy tín chính trị, năng lực lãnh đạo và một vị trí cao trong xã hội đồng thời phải am hiểu về bóng đá. 

Nhiều chuyên gia, nhiều nhà quản lý cho rằng, một tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF không nhất thiết phải mang nặng yếu tố nhà nước, tốt hơn là cần được nâng cao tính chất xã hội của nó. Nếu không mặn mà với chức Chủ tịch VFF, thì có ép sang làm, cũng khó đưa bóng đá VN phát triển mạnh được. Trên cơ sở đó, một ứng cử viên vốn ít liên quan đến bóng đá như Thứ trưởng Lê Khánh Hải thì không phù hợp. Ngồi trên chiếc ghế chủ tịch là ngồi trên lửa, nếu không chịu được áp lực, không tự nguyện “ngồi”, không đủ can đảm thì sao có thể đề ra chiến lược giúp bóng đá VN làm cuộc cách mạng?

Thế nhưng, việc này có thể tác động lớn đến cuộc đua vào vị trí đứng đầu VFF.  Ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch VFF khóa 6,  từng được xem là ứng viên nặng ký nhất cho ghế Chủ tịch VFF, nhưng với 77 lá phiếu của các thành viên VFF - vốn đa số là những người ngành thể thao có thể xoay chuyển cục diện bầu cử sắp tới. 

Tuy ông Lê Hùng Dũng chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào xung quanh việc trên , nhưng ông đã nói với báo giới: “Trong Đại hội lần này, nếu không có sự can thiệp thì tôi sẽ ứng cử. Còn nếu có sự can thiệp thì tôi chắc chắn sẽ không tham gia”. Hơn thế nữa, có thể ông này sẽ cân nhắc bởi theo nguyên tắc bầu cử, nếu thua ông Lê Khánh Hải trong cuộc đua vào ghế Chủ tịch VFF, ông Dũng sẽ không còn cơ hội ngồi vào vị trí lãnh đạo nào khác ở VFF do mỗi ứng viên chỉ được lựa chọn ứng cử vào 1 vị trí trong bộ tứ quyền lực. Nếu ông Dũng rút thì... ghế Chủ tịch VFF chỉ còn là cuộc đua đơn thương độc mã. Khi đó thực sự lại thêm một chuyện lạ cho “kho tàng chuyện lạ” vốn đã khổng lồ của VFF.

Giới hâm mộ hy vọng tân chủ tịch VFF sẽ là người biết làm, dám làm và đủ khả năng để hiện thực hóa các yêu cầu cấp bách của bóng đá Việt Nam chứ không phải là một người chỉ đóng vai trò “cánh tay nối dài” của đơn vị quản lý Nhà nước trong hoạt động của VFF. 

Vấn đề ai là chủ tịch VFF không quan trọng, quan trọng là người đó có đưa bóng đá Việt Nam đến thành công hay không?