'Bốn ngón tay thần chết' Buk-M1 Nga bị lính Ukraine tập kích phá hủy

ANTD.VN - Truyền thông ủng hộ Ukraine mới đăng tải đoạn clip quay cảnh tổ hợp phòng không "bốn ngón tay thần chết " Buk-M1 của quân đội Nga bị binh sĩ Ukraine tập kích bằng tên lửa chống tăng. 
Dù đã có trong biên chế những phiên bản hiện đại hơn, nhưng Nga vẫn quyết định tung lượng lớn hệ thống phòng không biệt danh "bốn ngón tay thần chết " Buk-M1 vào chiến trường Ukraine.
Tổ hợp phòng không Buk-M1 được cả Nga và Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột đang diễn ra.
Mới đây truyền thông ủng hộ Ukraine đã đăng tải đoạn clip quay cảnh tổ hợp Buk-M1 của quân đội Nga bị lính Ukraine phục kích phá hủy. Hiện phía Nga chưa phản hồi về thông tin này.
Tổ hợp Buk-M1 là một trong những hệ thống đánh chặn đáng sợ nhất thế giới thời điểm chúng ra đời.
Buk-M1 là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung tự hành tiên tiến được phát triển bởi Liên Xô, chính thức ra đời vào năm 1984.
Phiên bản Buk-M1 được phát triển dựa trên hệ thống Buk bắt đầu được chế tạo vào đầu những năm 1970. Trong khi đó tiền thân của Buk lại là tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn 2K12 Kub (SA-6 Gainful).
Buk-M1 được thiết kế với vai trò hệ thống phòng không chiến thuật chiến trường chuyên đi theo bảo vệ đội hình tiến quân của các sư đoàn cơ giới. Tổ hợp này đã lập nên vô số chiến công tại chiến trường Trung Đông.
Hệ thống này được trang bị đài radar phát hiện và chỉ thị mục tiêu 9S18M1 Kupol-M1 sử dụng ăng ten mảng pha.
Các thành phần đặt trên xe tự hành bánh xích mới GM-567M có tính năng vượt trội so với các phiên bản phòng không trước đây của Liên Xô.
Tổ hợp Buk-M1 trang bị đài chỉ huy 9S470M1 hoàn toàn mới, giữ vai trò trung tâm, điều phối hoạt động và liên kết các thành phần khác, đồng thời theo dõi, đánh giá và phân tích kết quả sau khi tên lửa được phóng đi.
Xe mang phóng tự hành trang bị radar (TELAR) 9A310M1 của Buk-M1 sử dụng radar dẫn đường và nhận dạng mục tiêu nâng cấp, giúp tăng cự ly hoạt động thêm 25 - 30% so với phiên bản tiền nhiệm.
Xác suất nhận dạng chính xác các mục tiêu khí động học và tên lửa đạn đạo của Buk-M1 được tăng lên 60%.
Nhờ được hiện đại hóa, mặc dù vẫn sử dụng đạn tên lửa 9M38 (tầm bắn 35 km) nhưng xác suất tiêu diệt mục tiêu chỉ bằng 1 phát bắn của Buk-M1 đã tăng lên 95% so với 90% của Buk.
Mặc dù lạc hậu hơn so với Buk-M2 hay Buk-M3, tuy nhiên Buk-M1 vẫn là một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung di động cực kỳ đáng gờm.
Có thông tin cho biết, phía Ukraine thậm chí còn dùng hệ thống này bắn hạ chiến đấu cơ tối tân Su-35 của Nga.
Báo chí Ukraine hồi đầu tháng 4 cho hay 4 tên lửa hành trình Kh-59M cùng 1 tiêm kích Su-35S của Nga đã bị bắn hạ bởi hệ thống Buk-M1 trực thuộc Bộ Tư lệnh lực lượng phòng không phía Tây.
Dùng tên lửa Kh-59M, quân đội Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng ở khu vực phía tây của Ukraine, nhưng do bị tổ hợp phòng không Buk-M1 đánh chặn, Moscow đã không đạt được mục tiêu của mình.
Nguồn tin quân sự Ukraine cho hay, 3 trong tổng số 4 tên lửa được phóng đi đã bị bắn hạ, trong khi quả đạn còn lại bị bị hư hại, do vậy tên lửa này không thể đánh trúng mục tiêu.
Hiện tại Bộ Quốc phòng Nga chưa lên tiếng bình luận về những gì được truyền thông Ukraine đăng tải nhưng nếu chính xác thì đây là chiến công mới của Buk-M1 trước máy bay chiến đấu Nga.