Bội thực giải thưởng

ANTĐ - Nhiều khi, “cánh phóng viên” theo dõi ngành cũng không nhớ nổi có bao nhiêu loại giải thưởng dành cho các doanh nghiệp.
Nào là giải thưởng “Bông hồng Vàng” dành cho nữ doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc; giải thưởng “Doanh nghiệp Việt Nam được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích”; giải thưởng “500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam”; “doanh nghiệp xuất khẩu tiêu biểu”; “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiêu biểu”… Còn hàng chục giải thưởng khác mà các tỉnh, thành phố trao cho doanh nghiệp trên địa bàn; rồi từng lĩnh vực cũng trao giải cho doanh nghiệp thuộc ngành… Mỗi năm vài đợt, tivi lại truyền hình trực tiếp các lễ trao giải hoành tráng mà người xem khó nhớ nổi 5 tên doanh nghiệp đoạt các hạng mục giải thưởng này.
Cả nước hiện có hơn 400.000 doanh nghiệp. Với hàng chục loại giải thưởng, mỗi giải thưởng tôn vinh trung bình 100 đơn vị thì ước tính, có hàng nghìn doanh nghiệp được tôn vinh mỗi năm. Số lượng này chưa “thấm tháp” gì so với tổng số doanh nghiệp, nhưng là quá lớn để người tiêu dùng, khách hàng thấy vị trí quan trọng của các công ty. Càng nhiều doanh nghiệp được giải thưởng thì sự bão hoà về vị trí thương hiệu càng lớn.
Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nào có đóng góp đáng kể cho lĩnh vực của họ thì đều xứng đáng được tôn vinh. Quan điểm này không sai, đặc biệt là người Việt Nam có suy nghĩ, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào làm được một việc tốt, dù là nhỏ cũng cần được khích lệ để họ tiếp tục phát huy, làm thêm nhiều việc tốt, vì cộng đồng, vì xã hội và cả nền kinh tế. Nhưng quá nhiều giải thưởng, trao cho cả những doanh nghiệp mà người tiêu dùng, những người lẽ ra được bỏ lá phiếu trực tiếp cho doanh nghiệp mình yêu thích không biết đến là một nghịch lý. Phải chăng, các cơ quan, tổ chức giải thưởng và doanh nghiệp cứ tự “tung hứng” cho nhau, tự tôn vinh chính mình? Như thế có gây thêm lãng phí? Đó là còn chưa kể đến những tiêu cực có thể có trong quá trình bình xét giải.
Trao giải thưởng cho những đơn vị tiêu biểu là việc nên làm, nhưng không nên hạ thấp giá trị của các giải thưởng bằng cách tổ chức “ào ào”. Sự lớn mạnh về tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp thì cơ quan quản lý nắm rõ; thành tích đóng góp vì cộng đồng, vì xã hội chỉ có người dân mới hiểu. Nên dừng lại ở số ít các loại giải thưởng được trao, nhưng cần nâng tầm vị trí của doanh nghiệp để xứng đáng với giải thưởng cao quý.