Bộ trưởng GD-ĐT: Rà soát chính sách, điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông 2018

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với 6.500 ý kiến, chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng nhưng đủ thấy mức độ quan tâm của đội ngũ nhà giáo và dư luận xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá trong buổi gặp gỡ ngày 15-8.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị trước hết giáo viên phải tự đổi mới bản thân, thay đổi cách thức sử dụng sách giáo khoa

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị trước hết giáo viên phải tự đổi mới bản thân, thay đổi cách thức sử dụng sách giáo khoa

Ngày 15-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ với giáo viên mầm non, phổ thông và ĐH trên cả nước. Tại đây, nhiều ý kiến tâm huyết đã được chia sẻ, đồng thời, các thầy giáo, cô giáo cũng đề đạt nhiều nguyện vọng.

Giáo viên khó khăn vì lương thấp

Thời gian qua, do vừa trải qua Covid-19 và tình hình kinh tế khó khăn, cùng với đó, giá cả nông sản, tiền điện, tiền nước tăng khiến cuộc sống của giáo viên vùng cao gặp 1 số khó khăn về thu nhập trang trải cuộc sống.

Thầy Đinh Văn Hải, giáo viên mầm non xã Tú Nang, huyện Yên Châu cho hay: "Lương giáo viên bây giờ chưa đáp ứng được chi tiêu trong cuộc sống. Thời gian giảng dạy nhiều, nên không có cơ hội làm thêm việc khác để tăng thu nhập. Tôi mong muốn Bộ trưởng kiến nghị xem xét tăng lương cho giáo viên".

Còn chị Mùi Thị Ban, giáo viên mầm non thị trấn Bắc Yên cho rằng: "Hiện, giáo viên chúng tôi lương không đủ sống, muốn làm gì thêm cũng không có thời gian. Tăng lương, ngành nghề nào cũng muốn nhưng do ngân sách Nhà nước có hạn nên còn chưa giải quyết được. Tôi kiến nghị, nên có cơ chế và giãn thời gian giảng dạy trên trường học, để tạo điều kiện cho giáo viên làm thêm tăng thu nhập".

Cô Vì Thu Trang, giáo viên tiểu học - THCS xã Pà Cò, huyện Mai Châu cho biết: "Từ khi đến công tác tại trường, tôi phải di chuyển quãng đường dài đến giảng dạy cho các em ở đây. Đường đi lại xa, nên tôi phải ăn ngủ tại trường. Cứ cuối tuần nghỉ dạy về nhà, tôi phải ra chợ mua nhu yếu phẩm lên trường để bảo đảm sinh hoạt trong 6 ngày".

"Tôi rất yêu nghề dạy học, tuy nhiên lương và trợ cấp chưa cao. Nếu có thể nhà nước có thể mở cơ chế và cho giáo viên chúng tôi dạy thêm thì cực kỳ tốt. Qua đó, có thể giúp giáo viên chúng tôi có thêm thu nhập", cô Trang chia sẻ.

Điều chỉnh chương trình, rà soát chính sách

Với 6.500 ý kiến, chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng nhưng đủ thấy mức độ quan tâm của đội ngũ nhà giáo và dư luận xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, không có quốc gia nào cải cách giáo dục trong điều kiện dịch bệnh như vậy. Do đó, chúng ta phải dốc sức, dốc lòng, không được phép dừng lại.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận điểm vướng nhất khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là dạy các môn tích hợp. Ông Sơn cho hay sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia, xem xét điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp bậc THCS. Riêng bậc tiểu học vẫn kiên trì các môn tích hợp này.

Ông Sơn cho biết sẵn sàng điều chỉnh chương trình để phù hợp với thực hiện, song sẽ không gây ra xáo trộn, ảnh hưởng tới những giáo viên đã tham gia tập huấn đào tạo để dạy tích hợp.

"Không phải mọi thắc mắc hôm nay đã giải quyết xong, không phải những vướng mắc chính sách ngày mai sẽ được sửa cả, nhưng tôi tin ngay lúc này ta đã nhìn được vấn đề để điều chỉnh.

Chắc chắn sắp tới, Bộ sẽ rà soát hệ thống chính sách. Hiện có hơn 200 chính sách liên quan đến các bộ ngành nên sẽ rất khó triển khai và không tự quyết được mà phải bàn bạc với bộ khác. Mặc dù vậy, Bộ vẫn sẽ phải làm nhiều việc để hệ thống giáo dục công - tư đều phát triển, sao cho người dân được tiếp cận bình đẳng", Bộ trưởng nói.

"Thời gian qua, có việc ngành đã làm được, có việc chưa nhưng có những điều không thể làm. Ở các diễn đàn lớn nhỏ, nếu có cơ hội chúng tôi đều tranh thủ đưa các ý kiến có lợi nhất cho nhà giáo nhưng ở cuộc này tôi muốn bày tỏ chúng ta phải thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đây là nhân tố mới quan trọng và rất quan trọng với chúng ta, một bước tiến và là cơ hội của ngành thế nhưng sự tiếp nhận cái mới của xã hội không hề dễ dàng", Bộ trưởng nói.

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, trước đây chương trình của chúng ta lệ thuộc vào sách giáo khoa, học sinh học gì thi nấy, nên bị bó buộc khuôn cứng bởi sách giáo khoa. Sự thay đổi lớn lần này đó là chương trình thống nhất toàn quốc còn sách giáo khoa chỉ là học liệu.

Giáo viên được chủ động lựa chọn sách giáo khoa, việc dạy không chỉ lệ thuộc vào sách. Thế nhưng qua kiểm tra, thời gian qua nhiều địa phương còn lệ thuộc vào sách giáo khoa, chưa đổi mới.

Do vậy, trước hết giáo viên phải tự đổi mới bản thân, thay đổi cách thức sử dụng sách giáo khoa. Đây là sự thay đổi quan trọng, căn bản. "Nếu sau 3- 4 năm, giáo viên vẫn như xưa thì sao đổi mới được?", Bộ trưởng nêu vấn đề.