Đề xuất giáo viên được hưởng bậc lương cao nhất, ưu tiên quỹ đất xây trường công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương, lương của nhà giáo cần được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị

Sáng 8-8, tham luận tại hội nghị của Thành ủy Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, đây là công tác được ngành giáo dục Thủ đô đặc biệt quan tâm.

“Sở GD&ĐT Hà Nội luôn nhận thức rõ: Muốn có sản phẩm giáo dục tốt, phải có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tốt; GD&ĐT Thủ đô hướng đến sự phát triển của một nền giáo dục tiến tiến, hiện đại của các nước phát triển trong khu vực và thế giới” – ông Trần Thế Cương nói.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, đến nay Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo của thành phố được tăng cường cả về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Cụ thể, nếu như năm học 2013 - 2014 toàn Hà Nội có 2.434 trường với 46.251 lớp, 1.573.611 học sinh, thì năm học 2022 - 2023 toàn thành phố có 2840 trường (tăng 406 trường) với 64.792 lớp (tăng 18.541 lớp), gần 2.3 triệu học sinh (tăng hơn 700 nghìn học sinh).

Về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nếu như năm học 2013 - 2014 toàn thành phố có 82.855 cán bộ, giáo viên thì năm học 2022 - 2023 toàn thành phố có 122.968 cán bộ, giáo viên (tăng 40.413 cán bộ, giáo viên). 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn đào tạo trở lên.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Đặc biệt, trong 10 năm qua, Sở GD&ĐT được UBND TP Hà Nội cấp 353,1 tỷ đồng để tổ chức bồi dưỡng trong nước và nước ngoài cho 679.613 lượt cán bộ quản lý và giáo viên. Sở cũng tham mưu thành phố cử 25 cán bộ tham gia học nghiên cứu sinh và 478 cán bộ, giáo viên tham gia học thạc sĩ bằng nguồn ngân sách thành phố cấp.

Hay như trong năm 2023 này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu UBND TP tổ chức khoá học bồi dưỡng về: Nâng cao phương pháp giảng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin cho 199 cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT có điểm IELTS từ 6.5 trở lên đi học tại Úc...

Bên cạnh đó, ngành giáo dục Thủ đô vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Với phương châm ngành GD&ĐT Hà Nội phải so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã đề xuất, kiến nghị 10 ý kiến với trung ương và thành phố.

Cụ thể, ông Cương đề nghị các bộ, ngành, thành phố trình Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô, trong đó quan tâm: cho phép trường công được liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài; thành phố được nhượng quyền kinh doanh, quản lý công trình do nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô...

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các bộ, ngành, thành phố tham mưu Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết 29-NQ/TW, cụ thể là: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Ông cũng đề nghị cần xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên; không áp dụng máy móc mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục.

Đề nghị điều chỉnh quy định về số lượng cấp phó của các cơ sở giáo dục, bởi việc quy định mỗi cơ sở giáo dục có không quá 02 cấp phó (Hiệu phó) như hiện nay chưa thực sự hợp lý đối với các cơ sở giáo dục có quy mô lớn, trường liên cấp, trường có nhiều cấp học, trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia.

Đặc biệt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị các bộ, ngành, thành phố tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường trung cấp, trường Cao đẳng và trường Đại học ra khỏi khu vực nội đô… để xây trường học công lập, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân.