Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước không đồng tình kiến nghị của Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu

ANTD.VN - Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều cho rằng các đề xuất của Dự án Điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu là không có cơ sở.

Không bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán của EVN

Bộ Tài chính vừa có trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu do Văn phòng Chính phủ chuyển tới. Trong kiến nghị, cử tri đề nghị Bộ Tài chính bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi EVN mất khả năng thanh toán tiền mua điện. Đồng thời, nhận lại nhà máy và trả tiền theo giá trị đã khấu hao của nhà máy khi phải chấm dứt hợp đồng do lỗi từ chính sách của Việt Nam do EVN không thể thực hiện thanh toán theo nghĩa vụ cam kết trong Hợp đồng mua bán điện.

Được biết, vấn đề này là một trong những vướng mắc chính đối với Dự án Điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu - dự kiến được khởi công trong quý II năm nay. Theo đó, đây là đề nghị mà chủ đầu tư dự án (Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) của Singapore) đưa ra và UBND tỉnh Bạc Liêu nhiều lần kiến nghị các Bộ, ngành gỡ vướng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã “lắc đầu” với đề nghị này. Bộ Tài chính cho biết, hợp đồng mua bán điện PPA của các dự án IPP là Hợp đồng thương mại đơn thuần giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp. Do đó, nhà đầu tư cần thương lượng để đưa ra các điều kiện về nghĩa vụ thanh toán của EVN trong hợp đồng mua bán điện PPA.

“Chính phủ không trực tiếp thực hiện bảo lãnh đối với việc thanh toán nghĩa vụ của bên mua điện, do đây là hợp đồng thương mại giữa EVN và doanh nghiệp” – Bộ Tài chính cho biết.

Dự án Điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu chưa thể khởi công do còn nhiều vướng mắc

Cũng theo Bộ Tài chính, nội dung vướng mắc này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành và báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư công để tiếp tục xem xét tìm biện pháp tháo gỡ.

NHNN không cam kết chuyển đổi ngoại tệ

Một đề xuất khác liên quan đến dự án này cũng vừa bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “bác”. Cụ thể, chủ đầu tư Dự án đề nghị NHNN cam kết chuyển đổi ngoại tệ khi xảy ra khan hiếm ngoại tệ trên thị trường các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, NHNN cho rằng đề nghị này là không có cơ sở pháp lý.

Cụ thể, theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), cơ chế bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP quan trọng). Trong khi đó, Dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu là dự án đầu tư theo phương thức nhà máy điện độc lập, không phải là dự án PPP. Do đó, dự án này không thuộc đối tượng áp dụng cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ theo quy định tại Điều 81 Luật PPP. Bộ Công Thương cũng có ý kiến việc đề xuất chuyển đổi ngoại tệ đối với Dự án là không phù hợp với Luật PPP.

NHNN cũng cho biết, Pháp lệnh Ngoại hối đã quy định về quyền mua ngoại tệ của nhà đầu tư tại các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo môi trường minh bạch, bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài đối với lợi nhuận, thu nhập hợp pháp bằng VND từ hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Đồng thời, NHNN đã ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối (nay là Thông tư 02/2021/TT-NHNN), tạo công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá để nhà đầu tư thực hiện giao dịch với các TCTD trong nước. Khi thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, NHNN sẽ can thiệp thị trường thông qua hoạt động mua, bán ngoại tệ với các TCTD.

“Thực tế các năm vừa qua, hệ thống các ngân hàng thương mại luôn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ của các dự án đầu tư nước ngoài. NHNN không nhận được bất cứ phản ánh nào về khó khăn khi chuyển đổi ngoại tệ của chủ đầu tư tại các ngân hàng thương mại” – NHNN khẳng định.

Dự án Điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu được xem là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long tính tới thời điểm này, với tổng mức đầu tư trên 4 tỉ USD.

Theo kế hoạch, từ khi được cấp chứng nhận đầu tư (tháng 1-2020), nhà đầu tư có 12 tháng để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và khởi công dự án vào đầu năm 2021. Dự kiến đến đầu năm 2024, tổ máy tua-bin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) sẽ vận hành và tiếp tục xây lắp, đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12-2027.

Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc trong thủ tục chuẩn bị đầu tư nên đến thời điểm này dự án chưa thể khởi công.