Bổ nhiệm cán bộ là người nhà khiến dư luận bất bình

ANTD.VN - Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 cho thấy, tình trạng tham nhũng hiện vẫn ở mức nghiêm trọng. Đáng chú ý, có việc bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ gây bức xúc rất lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức vẫn còn bị xem nhẹ

Còn cán bộ bao che, “bảo kê” cho vi phạm

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày dự thảo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21-9, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành thanh tra đã phát hiện 35 vụ, 71 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Tính từ tháng 10-2015 đến hết tháng 7-2016, Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 254 vụ án, 627 bị can phạm tội về tham nhũng; Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 264 vụ, 635 bị can về các tội danh tham nhũng; TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 325 vụ với 898 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 159 vụ, 427 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 46,7% (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015)...Tính chung, các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng, 838m2 đất.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện vẫn còn bị xem nhẹ. Năm 2016, chỉ có 18 người đứng đầu cơ quan có xảy ra tham nhũng bị xử lý, thấp hơn rất nhiều so với năm 2015 (46 trường hợp).

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, việc thu hồi tài sản qua kết luận thanh tra còn thấp; số vụ tự phát hiện được tham nhũng trong nội bộ rất ít. Đáng chú ý, ở một số nơi có tình trạng cán bộ còn bao che, “bảo kê” cho vi phạm. Chẳng hạn, ngày 15-9 vừa, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần thơ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phó Chánh thanh tra và một số cán bộ Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ do có hành vi bảo kê hàng loạt nhà xe vi phạm tại Cần Thơ.

Đặc biệt, bà Lê Thị Nga cho biết, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh, trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm là người thân trong gia đình.

“Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản Nhà nước. Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh” - bà Lê Thị Nga nói.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Góp ý vào dự thảo báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa nêu bật được những điểm còn tồn tại, trì trệ cũng như những mặt có sự tiến bộ của công tác phòng, chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Văn Giàu đề xuất, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các giải pháp phòng ngừa, tránh các giải pháp mang tính hình thức; đồng thời cần tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình dẫn chứng bằng việc niêm phong, phong tỏa tài sản của các trường hợp tham nhũng thời gian qua còn chưa thật sự nghiêm túc dẫn tới tình trạng tẩu tán tài sản tham nhũng. Từ đó, ông Bình đặt vấn đề cần phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, kể cả sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các cơ quan chuyên môn.