Bỏ lại Thụy Điển, Phần Lan sẵn sàng gia nhập NATO trước?

ANTD.VN - Tổng thống của Phần Lan Sauli Niinisto nói, nước này sẽ gia nhập NATO nếu được chấp thuận của toàn bộ thành viên, dù cho Thụy Điển vẫn còn bị vướng mắc trong việc gia nhập liên minh quân sự này.
"Quốc hội Phần Lan sẽ ra quyết định và nếu Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary phê chuẩn, chúng tôi sẽ trở thành thành viên của NATO", Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói hôm 22/2.

Quốc hội Phần Lan dự kiến sẽ dự kiến bỏ phiếu thông qua việc gia nhập NATO vào ngày 28/2.

Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy Phần Lan đang chuẩn bị bước vào liên minh quân sự mà không có Thụy Điển đi cùng.

Tuy nhiên Tổng thống Niinisto nhấn mạnh rằng, tuyên bố của ông không có nghĩa là Phần Lan bỏ rơi nước láng giềng vốn có mối quan hệ khăng khít.

Dù hai quốc gia Bắc Âu nộp đơn xin gia nhập NATO cùng lúc, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ tới nay mới chỉ sẵn sàng phê duyệt cho Phần Lan trở thành thành viên NATO.
Tuyên bố của Tổng thống Phần Lan là tín hiệu mới nhất cho thấy nước này đang chuẩn bị gia nhập NATO một mình.
"Chúng tôi sẽ hợp tác trong phạm vi cho phép, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền phê chuẩn và chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì", Tổng thống Niinisto nói.
Ông Niinisto cho biết các cuộc đàm phán giữa Phần Lan, Thụy Điển với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục trong vòng vài tuần nữa.
Tổng thống nói thêm ông “lạc quan” rằng cả hai nước sẽ trở thành thành viên sau hội nghị thượng đỉnh vào giữa tháng 7 của liên minh tại Vilnius.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong khi đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng khi nước này và Phần Lan nên được gia nhập NATO cùng lúc, cho rằng điều này có lợi cho việc phòng thủ.

"Ai cũng biết chúng ta có quan hệ quân sự rất thân thiết và đó là lý do chúng ta cùng nhau bắt đầu quá trình gia nhập NATO. Mọi thứ có thể trở nên phức tạp nếu một nước gia nhập liên minh NATO còn nước kia thì chưa. Đó là thực tế", ông Kristersson nói.
“Phần Lan và Thụy Điển cung cấp đảm bảo an ninh. Chúng tôi có khả năng làm điều này tại khu vực của mình, giúp tất cả thành viên NATO cùng hưởng lợi, đương nhiên có cả Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Kristersson nói thêm.
“Chúng tôi bắt đầu quá trình này cùng nhau, tiến hành cùng nhau và muốn hoàn thành cùng nhau”, ông Kristersson kết luận.
Ông Kristersson cũng cảnh báo về hậu quả nếu Thổ Nhĩ Kỳ không duyệt đơn của Thụy Điển tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tổ chức ở Vilnius (Litva) vào tháng 7 tới đây.
Thụy Điển, Phần Lan hồi tháng 5/2022 kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự và nộp đơn xin gia nhập NATO.
Để trở thành thành viên liên minh, hai quốc gia Bắc Âu phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên phê chuẩn đơn xin gia nhập.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai thành viên còn lại chưa đồng ý, song cơ quan lập pháp Hungary dự kiến phê chuẩn cho cả hai nước trong tháng này.
Thổ Nhĩ Kỳ thì cứng rắn hơn. "Chúng tôi chưa thể gửi dự luật phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển tới quốc hội để xem xét", Ibrahim Kalin, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/1 nói trong cuộc họp báo ở Istanbul.
Theo ông Kalin, quá trình phê chuẩn sẽ phụ thuộc vào tốc độ thực hiện lời hứa chống khủng bố của Stockholm trong thỏa thuận với Ankara.
"Stockhom cam kết thực hiện thỏa thuận ký kết tại Madrid năm ngoái, nhưng cần thêm 6 tháng để làm luật để hệ thống tư pháp của họ thực thi các định nghĩa khủng bố mới", ông Kalin nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thủ tướng Kristersson của Thụy Điển nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một số yêu cầu để duyệt tư cách thành viên NATO mà Thụy Điển không thể chấp nhận.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận chúng tôi đã thực hiện những gì mình thông báo sẽ làm. Tuy nhiên, họ yêu cầu những thứ mà chúng tôi không thể và không muốn làm", Thủ tướng Ulf Kristersson ngày 8/1 nói trong hội nghị an ninh ở Thụy Điển.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển chứa chấp các "phần tử khủng bố" người Kurd và yêu cầu hai nước này dẫn độ những nghi phạm thuộc diện này.

Stockholm và Helsinki đã đáp ứng một số yêu cầu của Ankara, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng như vậy là chưa đủ.