"Bộ đôi sát thủ" của Mỹ thừa khả năng "bịt mắt" S-400 Nga triển khai tại Syria

ANTD.VN - Nếu như người Nga tự hào với hệ thống tác chiến điện tử L-265 Khibiny hay Krasukha-4 thì phía bên kia chiến tuyến, Mỹ khẳng định rằng chiến đấu cơ EA-18G Growler mang thiết bị gây nhiễu AN/ALQ-99 thừa sức vô hiệu hóa S-400 Triumf.  

Chiến đấu cơ hai chỗ ngồi Boeing EA-18G Growler là một phiên bản tác chiến điện tử sử dụng trên tàu sân bay, được phát triển từ tiêm kích hạm F/A-18F Super Hornet.

EA-18G Growler bắt đầu được chế tạo vào năm 2007 và cung cấp cho các phi đội không quân Hải quân Mỹ vào năm 2009, nó có nhiệm vụ thay thế loại EA-6B Prowler đã trở nên lạc hậu.

Máy bay Growler có chung hơn 90% thiết kế của Super Hornet với khả năng tác chiến được bảo toàn nguyên vẹn, nó dùng chung khung thân, radar mảng pha quét chủ động AESA và tích hợp cả hệ thống quản lý dữ liệu AN/AYK-22. 

Pháo Vulcan 20 mm đã bị loại bỏ khỏi phần mũi để thêm vào hệ thống điện tử (và các phần khác của khung máy bay cũng vậy), máy thu ALQ-218 được lắp ở đầu cánh, ngoài ra còn có AN/ALQ-99 là thiết bị gây nhiễu ở dải tần số cao và tần số thấp.

Thiết bị làm nhiễu và những thùng nhiên liệu phụ cũng được bổ sung, nên EA-18G có tầm hoạt động dài hơn và thời gian làm việc trên không cũng tăng thêm.

EA-18G có thể mang theo tới 5 pod gây nhiễu chiến thuật AN/ALQ-99 khi tác chiến, thêm 2 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM để tự vệ và 2 tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 HARM.

 Thiết bị AN/ALQ-99 sử dụng sóng điện từ có tần số cực thấp, được cho là sẽ có khả năng gây nhiễu và chế áp đối với tất cả các loại radar hiện đại nhất ngày nay, dĩ nhiên S-400 cũng không ngoại lệ.

Trong các cuộc không kích được Hải quân Mỹ tiến hành, khi EA-18G Growler mang pod tác chiến điện tử AN/ALQ-99 xuất hiện trên bầu trời thì đều ghi nhận tình trạng phòng không đối phương bị "mất điện".

Lúc này trên màn hình hiển thị sóng radar của kẻ địch sẽ hoàn toàn mất dấu mục tiêu, chỉ còn các dải nhiễu nặng đến mức không thể phân biệt được loại máy bay hay cự ly xâm nhập để đưa ra cảnh báo và dẫn bắn.

Sự nguy hiểm của EA-18G Growler còn nằm ở chỗ nó là phương tiện hủy diệt thực sự, khi vừa vô hiệu hóa sóng vô tuyến của phía phòng thủ lại vừa trực tiếp tung đòn tiêu diệt.

Các tên lửa chống radar cao tốc AGM-88 HARM với tốc độ cao, tầm hoạt động xa, cơ chế dẫn hướng cực kỳ tinh vi sẽ khiến cho mọi đài radar chỉ còn cách tắt sóng nếu không muốn bị tiêu diệt.

Kể cả đài radar có công suất lớn như 96L6 của S-400, khi gặp phải thiết bị AN/ALQ-99 thì theo ước tính tầm hoạt động hiệu quả đến mức đủ để phân biệt mục tiêu sẽ bị rút xuống chỉ còn vài chục km.

Nếu vậy, nó rõ ràng sẽ bị chiếc EA-18G Growler phát hiện và đánh dấu trước để phóng tên lửa chống radar AGM-88 HARM tiêu diệt, cơ hội đánh trả là cực thấp, thậm chí phải nói là bất khả thi.

Đối phó với vũ khí có tính hủy diệt cao và vô cùng tối tân này thì Nga và Syria không thể trông chờ vào duy nhất các tổ hợp S-400 hay Pantsir-S1 mà cần huy động cả tiêm kích lên đánh chặn từ xa mới mong giảm bớt tác hại.