Bồ Đào Nha quyết định chấm dứt chương trình “thị thực vàng""

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bồ Đào Nha sẽ kết thúc chính sách “thị thực vàng” cho các công dân không thuộc Liên minh châu Âu (EU), đây là một phản ứng đối với tình trạng hạn chế về nhà ở. Còn EU từ lâu đã thúc giục Bồ Đào Nha ngừng cấp “thị thực vàng” vì nghi ngờ đằng sau đó là hoạt động rửa tiền.
Với chương trình “thị thực vàng” áp dụng hơn 10 năm qua, Bồ Đào Nha có tiếng là một quốc gia thân thiện với giới đầu tư

Với chương trình “thị thực vàng” áp dụng hơn 10 năm qua, Bồ Đào Nha có tiếng là một quốc gia thân thiện với giới đầu tư

Từ năm 2012, Chính phủ Bồ Đào Nha cấp giấy phép cư trú cho người nước ngoài nếu đầu tư 500.000 euro, tương đương với việc có thể cư trú tại một quốc gia EU thuộc khu vực Schengen. Cho đến nay, khoảng 12.000 nhà đầu tư đã tận dụng cơ hội này. Đến giờ, Bồ Đào Nha quyết định ngừng chương trình “thị thực vàng” của mình, một phần để đối phó với áp lực từ EU. Thủ tướng Antonio Costa đã thông báo rằng, chương trình sẽ hết hạn vào ngày 16-3.

Ban đầu, chương trình được quảng cáo nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Bồ Đào Nha khi nó rơi vào suy thoái khoảng 10 năm trước. “Thị thực vàng” đã chứng minh một nguồn thu nhập cho lĩnh vực bất động sản. Thay vì lập các công ty mới và thu hút lao động, người nước ngoài chủ yếu mua các căn hộ sang trọng ở quanh khu vực Lisbon. Phần lớn các nhà đầu tư này là người Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Nga. Chương trình đã mang lại khoảng 7 tỷ euro cho đất nước, gần 90% trong số đó đến từ việc mua bất động sản. Theo thống kê của Cơ quan Nhập cư và biên giới Bồ Đào Nha, chỉ 22 thị thực được phát hành nhằm tạo công việc mới, cụ thể là 280 việc làm mới trong hơn 10 năm. Trong những năm gần đây, giá bất động sản ở Bồ Đào Nha tăng chóng mặt, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn nhất của nước này là Lisbon và Porto.

Nhiều người chỉ trích, nguyên nhân một phần là do chương trình “thị thực vàng” và ngày càng nhiều công dân EU mua nhà ở Bồ Đào Nha với mức giá mà người dân Bồ Đào Nha không còn đủ khả năng chi trả. “Thị thực vàng đã thúc đẩy tăng giá đáng kể, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp nhất của thị trường bất động sản. Và đây là lập luận mà chính phủ hiện đã áp dụng để biện minh cho việc đóng cửa chương trình “thị thực vàng” - bà Ana Gomes, cựu chính trị gia của Đảng Xã hội, thành viên Nghị viện châu Âu nói. Theo bà Gomes, đó chỉ là một cái cớ bởi chính sự chỉ trích ngày càng gay gắt từ EU là nguyên nhân cuối cùng khiến chương trình sắp kết thúc.

Bà Gomes là người đã phản đối chương trình này kể từ khi bắt đầu áp dụng. “Thật tốt khi chương trình “thị thực vàng” cuối cùng đã bị bãi bỏ. Chúng là một lời mời để rửa tiền, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm và khủng bố xâm nhập hợp pháp vào khu vực Schengen”. Cũng theo bà Gomes, hơn một nửa số người nộp đơn xin “thị thực vàng” đến từ các quốc gia có hoạt động rửa tiền đặc biệt phổ biến và Bồ Đào Nha chưa bao giờ điều tra nguồn tiền của họ đến từ đâu.

EU gây sức ép với Bồ Đào Nha về chương trình này chủ yếu do nguồn gốc thường không rõ ràng của những người xin thị thực. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, người Nga đã bị cấm đầu tư vào Bồ Đào Nha và bị loại khỏi chương trình “thị thực vàng”. Tuy nhiên, một số công dân giàu có ở nước khác dù đủ điều kiện nhận “thị thực vàng” nhưng cũng không hẳn là những hình mẫu minh bạch. “Nó đơn giản là quá không minh bạch và nguy hiểm” - bà Gomes nói.

Trong khi đó, ông Hugo Santos Ferreira - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư và phát triển bất động sản Bồ Đào Nha cho rằng: “Dừng chương trình “thị thực vàng” là một cuộc tấn công vào tất cả các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư tiền của vào Bồ Đào Nha. Bồ Đào Nha sẽ mất uy tín và danh tiếng là một quốc gia thân thiện với giới đầu tư”.

Ông Santos Ferreira cho biết, Bồ Đào Nha cần các nhà đầu tư quốc tế để củng cố nền kinh tế và sẽ mất đi một công cụ quan trọng mang lại hơn 600 triệu euro mỗi năm. Ông thừa nhận ở đâu cũng có kẻ xấu hay tình trạng lách luật, nhưng nếu đúng như quyết định của Thủ tướng, có vẻ như đây là dấu chấm hết cho tấm thẻ vào Schengen trị giá 500.000 euro của Bồ Đào Nha. Theo một số thông tin, giấy phép cư trú của nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ được gia hạn nếu họ thực sự sống lâu dài ở Bồ Đào Nha.