Bịt lỗ hà, ra lỗ hổng

ANTĐ - Cứ mỗi độ Tết về lại thấy những chuyến xe lặng lẽ chở quần áo, chăn ấm, thực phẩm lên các tỉnh miền núi, chia sẻ, sưởi ấm cho những phận người ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm. 

- Làm từ thiện hảo tâm từ xưa đến nay đều quý trọng ở sự âm thầm, lặng lẽ. Làm phúc mà lại nói ra thì còn gì là phúc. Đợt rét vừa qua ở Hà Nội, các cô cậu sinh viên đại học miệt mài đạp xe, thức trắng đêm mang quần áo ấm che chở cho những mảnh đời vô gia cư. 

- Người nghèo thất cơ lỡ vận, kiếm miếng cơm manh áo, dặt dẹo góc vườn hoa, ngõ hẻm, mái hiên… cũng cần được cưu mang, giúp đỡ. Từ thiện ngay quanh mình cũng quý như đi tới vùng sâu, vùng xa, nghèo khó.

- Chí phải! Theo tôi còn phải từ thiện quanh năm chứ không chỉ theo… mùa, theo phong trào. 

- Khốn nỗi người nghèo ở ta hay dễ bị tổn thương vào lúc bão lụt, rét tai hại, lạm phát, nợ công… Chính lúc ấy mới cần tài trợ, hỗ trợ, từ thiện. Còn ngày thường thì bà con tự thân vận động, tự thoát nghèo.

- Nhiều lúc tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, bao chương trình mục tiêu giảm nghèo của nước ta được Liên hợp quốc tuyên dương, vậy mà còn hơn 2,5 triệu hộ nghèo và hơn 1,5 hộ cận nghèo. Không biết đến bao giờ mới hết người nghèo, hết làm từ thiện? 

- Ngay ở Mỹ giàu cũng còn cả triệu người nghèo, chỉ có điều chênh lệch giàu nghèo không “khủng” như ở ta là bởi có quá nhiều “lỗ hổng” chưa thể bịt được.

- Vậy thì bịt kín những lỗ hổng thất thoát, thua lỗ, tham nhũng là đương nhiên sẽ bớt đi hộ nghèo, người nghèo? 

- Chưa chắc, có khi bịt lỗ hà, ra lỗ hổng. Có những quỹ đầu tư hàng chục năm nay như Quỹ Nâng cao chất lượng dân số, nhưng tiền tiêu ra sao, bồi bổ cho người, chống bệnh tật hiểm nghèo thế nào… vẫn mù mờ. Còn nhiều quỹ Nhà nước được đầu tư hàng trăm tỷ mỗi năm mà không biết chi tiêu ra sao.