Bịt kẽ hở cổ phần hóa, để của công không bị biến thành… của riêng

ANTD.VN - Từ vụ việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã có những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, vấn đề đặt ra là phải có giải pháp hiệu quả giảm thất thoát tài sản Nhà nước trong lĩnh vực này. 

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa chủ yếu tập trung vào giai đoạn bà Thoa làm lãnh đạo tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang và quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp . Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. 

Bịt kẽ hở cổ phần hóa, để của công không bị biến thành… của riêng ảnh 1Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

- Ông đánh giá thế nào trước thông tin Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nộp đơn xin thôi việc?

- Điều cần xem xét là đơn xin thôi việc được bà Hồ Thị Kim Thoa gửi vào thời điểm nào? Khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu kiểm điểm, xử lý vì có dấu hiệu vi phạm thì việc cá nhân bị xem xét xin thôi việc đương nhiên khác hẳn với “văn hóa từ chức”. Cũng cần nhấn mạnh là xin thôi việc khác với xin từ chức. 

- Từ vụ việc của bà Hồ Thị Kim Thoa, ông đánh giá thế nào về chủ trương và thực tiễn triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian qua? 

- Trước hết, cần khẳng định, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương rất đúng của Đảng, Nhà nước. Chức năng làm kinh tế của Nhà nước là thông qua quản lý tốt, làm chính sách tốt, hoặc chỉ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp không đầu tư chứ không phải đi cạnh tranh với doanh nghiệp. Cổ phần hóa sẽ giúp đảm bảo nguồn lực của dân không bị đầu tư một cách dàn trải, dẫn tới nguy cơ rủi ro cao. Mặt khác, cổ phần hóa cũng là một trong những giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội, tạo ra dòng vốn mới cho nền kinh tế từ tiền nhàn rỗi trong dân.

Chủ trương là rất đúng, song thực tiễn triển khai thì còn nhiều tồn tại, kẽ hở. Chính sách của chúng ta chưa hoàn thiện, thậm chí còn có những sơ hở để người ta lách được, đặc biệt là các quy định về giá trị quyền sử dụng đất. Một số cá nhân đã lợi dụng các kẽ hở này để chiếm đoạt những tài sản rất lớn, biến tài sản của Nhà nước thành của riêng. 

- Ông có thể phân tích rõ hơn những tồn tại, kẽ hở trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước?

- Tại sao khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước lại không có quy định bắt buộc định giá lợi thế quyền sử dụng đất, trong khi đất ở mặt đường khác đất ở trong ngõ, càng khác so với đất ở nông thôn, miền núi. Tương tự, việc định giá các tài sản hiện có trong doanh nghiệp cổ phần hóa cũng thường thấp hơn mức bình thường. Thực tế, việc định giá tài sản trong các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, theo quy định cũng yêu cầu phải có các công ty tư vấn vào cuộc, song ở một số nơi, việc này mang tính hình thức nhiều hơn. 

Một bất cập nữa là tài sản của doanh nghiệp cổ phần hóa trong sổ sách đã hết khấu hao đều được định giá 0 đồng cho dù chúng vẫn đang tồn tại, đang sử dụng, thậm chí còn giá trị rất lớn. Chẳng hạn một cầu cảng xây dựng mấy trăm tỷ đồng, giá trị sử dụng trong mấy chục năm, khi cổ phần hóa cầu cảng này được định giá 0 đồng, song trên thực tế cầu cảng vẫn có giá trị sử dụng lớn. 

Mặt khác, quá trình thực hiện cổ phần hóa ở nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng có tình trạng không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định. Vụ việc ở Công ty CP Bóng đèn Điện Quang chỉ là một ví dụ điển hình. 

- Vậy làm thế nào để hạn chế được thất thoát tài sản Nhà nước khi cổ phần hóa, thưa ông?

- Cần rà soát lại tất cả các quy định, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo việc này. Sắp tới, các cơ quan của Quốc hội cũng sẽ giám sát về vấn đề này. Tuy nhiên, đó chỉ là một kênh, điều quan trọng là phải xem xét, đánh giá lại tất cả các quy định trong lĩnh vực này nhằm khắc phục các lỗ hổng, quy định chưa phù hợp. Cùng đó, phải xem xét lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong suốt thời gian qua để xem đã được thực hiện đúng quy định pháp luật hay chưa, đã công khai minh bạch chưa hay mới là hình thức. Lúc đó mới có thể đưa ra được các kết luận, giải pháp, điều chỉnh cho phù hợp.