Biết kêu ai bây giờ?

ANTĐ - Anh Phùng Nam Sương (29 tuổi, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) đau xót khi cùng hàng trăm nông dân lâm vào cảnh nợ nần vì bỏ tiền đầu tư “gian hàng điện tử” trên mạng internet.

- Đa số họ còn chưa sử dụng máy tính bao giờ, sao lại bỏ cả đống tiền mua “gian” bán hàng trên mạng làm gì nhỉ?

- Để… đấy thôi! Chứ chẳng nhẽ mang gà, vịt với mấy sào ruộng lên mạng bán à? Bùi tai với những câu ngon ngọt về lợi nhuận khủng, chẳng cần bày bán gì cũng có tiền, nhiều nông dân cắm cả “sổ đỏ” để mua đến cả 10 gian hàng điện tử… giờ thì “ngậm đắng nuốt cay” đi trả nợ. 

- Đâu chỉ nông dân, ngay ở thành phố cũng khối sinh viên, người lao động cũng bị lừa. Vẫn chiêu bài cũ à?

- Vẫn thế thôi. Thì họ cứ tỉ tê: bây giờ đi xin việc có khi phải mất đến vài trăm triệu đồng, trong khi vào làm tại đây chỉ mất vài triệu đồng, một số tiền rất nhỏ và có thể chỉ làm một tuần, bạn đã thu hồi vốn. Ngoài việc hưởng hoa hồng trong việc tuyển người, các thành viên còn có cơ hội mua hàng của công ty với giá gốc… Có gia đình bị lôi kéo đến vài ba người, “cơn bão” đi qua, “tiền mất, tật mang” có khi lại sứt mẻ cả tình cảm.

- Như kiểu bán hàng đa cấp?

- Kiểu như thế nhưng giờ quản lý chặt rồi thì họ núp bóng “thương mại điện tử”. Cứ tự làm tự hưởng, không công khai nên nhiều người bị lừa lắm.

- Nhiều nạn nhân thế sao các trang mạng này vẫn chưa bị xử lý?

- Chắc là chưa có chế tài. Mà cách quản lý của chúng ta còn lỏng lẻo lắm, nhất là trong thương mại điện tử. Với thủ đoạn tinh vi như thế người dân khó mà thành người tiêu dùng thông thái được. Khổ nhất là bà con nông dân, giờ vỡ nợ mà không biết kêu ai bây giờ?