Biết “cậy” vào ai?

ANTĐ - “Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể xử lý triệt để hiện tượng kích dục ở các quán cà phê. Cắt cử lực lượng ứng trực thường xuyên thì không đủ người. Chúng tôi chỉ có thể kiến nghị thành phố có chế tài xử lý nghiêm hiện tượng kinh doanh thiếu lành mạnh này…”.

 Trên đây là đoạn ý kiến ngắn gọn của vị đại diện UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội tại buổi sơ kết quý I-2012 công tác phòng chống ma túy, mại dâm, HIV. Ngắn gọn, nhưng nó đã bộc lộ sự bất lực của chính quyền cơ sở, bộc lộ tâm lý “đẩy” trách nhiệm giải quyết lên cấp cao hơn về tồn tại ở địa bàn.

Tâm điểm của ý kiến trên là dịch vụ cà phê… vẫy trên đường Phan Đăng Lưu, giáp ranh giữa xã Yên Viên và thị trấn Yên Viên. Loại hình kinh doanh này khá đặc biệt: có khi tìm mỏi mắt cả quán chẳng có cốc, ly cà phê hay nguyên liệu pha chế đồ uống nào, nhưng quán nào cũng có mấy em váy ngắn, ngực hở đứng cửa vẫy rối rít mỗi khi có đàn ông đi qua. Nếu vào quán, khách được kéo vào những khoảng không gian vài mét vuông, quây ri-đô kín và uống cà phê… bằng tay với nhân viên nữ. Cả chục năm nay, đường Phan Đăng Lưu “nổi tiếng” bởi cái tên Phố vẫy!

Lực lượng chức năng huyện Gia Lâm và thị trấn, xã Yên Yên có xử lý với tệ nạn trên đường Phan Đăng Lưu? Có. Bằng chứng là đã có nhiều chủ quán bị phạt hành chính, thậm chí có cả đối tượng hoạt động mại dâm lén lút bị bắt quả tang. Một thời gian, “biện pháp mạnh” được áp dụng là gửi thông báo kết quả xử lý vi phạm hành chính đối với nhân viên nữ bị bắt quả tang đang kích dục cho khách về tận quê đối tượng bị xử lý. Cùng với đó là lập các tổ tuần tra liên tục trên đường Phan Đăng Lưu để chấn chỉnh việc nhân viên nữ vẫy khách, cũng như cảnh báo ngầm để các vị khách tò mò không vào quán.

Thế nhưng, chuỗi động thái xử lý của lực lượng chức năng huyện Gia Lâm, thị trấn và xã Yên Viên lại không thường xuyên, thiếu kiên quyết. Và đây chính là nguyên nhân khiến “Phố vẫy” có đất để tồn tại. Quy định mới về xử phạt hành vi kích dục bị bắt quả tang lên đến gần 20 triệu đồng. Nếu kiểm tra, phát hiện và xử lý gắt gao, chắc chắn, không chủ quán nào dám kinh doanh liều. Thế nhưng qua tìm hiểu, hiện có đến 4, 5 quyết định xử phạt hành chính của chính quyền cơ sở được ban hành, nhưng đối tượng bị phạt không chấp hành mà cấp cơ sở vẫn không có biện pháp mạnh để “thi hành án”. Để rồi sau đó, chủ quán về tiếp tục điệp khúc vẫy.