Biển Đông an toàn và ổn định

ANTĐ - Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) đã trở thành cơ chế đối thoại về chính trị và an ninh hàng đầu ở khu vực khi lần đầu tiên hai cường quốc Mỹ và Nga cùng tham dự với tư cách là thành viên chính thức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ nhất từ trái sang hàng thứ 3)

cùng các nhà lãnh đạo tham dự EAS tại Indonesia

EAS được hình thành dựa trên đề xuất của Malaysia từ năm 1991 khi quốc gia thành viên ASEAN này kêu gọi thành lập Diễn đàn Kinh tế Đông Á gồm các thành viên của ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trải qua 14 năm ấp ủ, lần đầu tiên EAS được tổ chức năm 2005 trong khuôn khổ các hội nghị cấp cao ASEAN thường niên với sự tham dự của 10 thành viên ASEAN cùng với các đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Thoạt đầu EAS là một cơ chế đóng chủ yếu nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế ở khu vực Đông Á. Song từ EAS lần thứ 5 tại Hà Nội năm 2010, khi các nhà lãnh đạo EAS lần đầu tiên quyết định “mở cửa” mời hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga tham gia, cơ chế đối thoại này đã dần quan tâm hơn tới các vấn đề hòa bình và an ninh trong khu vực.

EAS lần thứ 6 tại Bali (Indonesia) với sự tham gia lần đầu tiên của Mỹ và Nga với tư cách thành viên chính thức, lãnh đạo của 18 nước thành viên chiếm khoảng 56% GDP thế giới, 63% dân số toàn cầu và 44% thương mại toàn cầu đã dành thời gian thích đáng để thảo luận các vấn đề hòa bình và an ninh. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây đang là vấn đề tác động không nhỏ tới môi trường làm ăn và kinh doanh trong khu vực.

Trong năm qua, từ EAS 5 tại Hà Nội đến EAS 6 ở Bali, những căng thẳng và đụng độ liên tục xảy ra trên Biển Đông khiến các quốc gia khu vực không khỏi quan ngại sâu sắc, bởi đây là vùng biển có tuyến vận tải hàng hải có tầm quan trọng sống còn với tất cả các quốc gia khu vực cũng như các cường quốc khác trên thế giới.

Lên tiếng tại hội nghị, Tổng thống chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vấn đề an toàn và ổn định trên Biển Đông có tính chiến lược sống còn. Tổng thống Barack Obama cũng khẳng định, nước Mỹ rất quan tâm đến vấn đề an ninh hàng hải, quyền được tự do đi lại trong Biển Đông; đồng thời cho rằng mọi tranh chấp, bất đồng phải được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Các mối quan tâm và lập trường về vấn đề an ninh trên Biển Đông đã được ghi nhận trong Tuyên bố về các nguyên tắc của các mối quan hệ cùng có lợi và Tuyên bố về Kết nối ASEAN đưa ra khi kết thúc EAS 6. Theo đó, 18 lãnh đạo các nước thành viên trịnh trọng cam kết, duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực; không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực chống lại nước khác. EAS 6 cũng nhấn mạnh tới việc giải quyết khác biệt và tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Một cơ chế đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết, phòng ngừa xung đột đang được định hình, trong đó ASEAN với cách tiếp cận chủ động tiếp tục giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt của mình.