Biến đổi gene cứu mạng người

ANTĐ - Nắm vững biến đổi gene ở người có thể giúp chữa trị những căn bệnh quái ác mà hiện y học vẫn bó tay hay chữa trị chưa hiệu quả như ung thư, tiểu đường, tim mạch..., qua đó có thể cứu sống hàng nghìn người trên thế giới mỗi năm.

Các nhà khoa học nghiên cứu về biến đổi gien

Tại Hội nghị định kỳ 2 năm lần thứ 4 của Dự án nghiên cứu biến đổi gene ở người (HVP) khai mạc ngày 11-6 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) ở Paris (Pháp), các nhà khoa học đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc nghiên cứu các bệnh do biến đổi gene. Hiểu và can thiệp được vào quá trình biến đổi gene có thể cứu sống được hàng nghìn người bệnh mỗi năm.

Các nhà khoa học tham dự hội nghị cho rằng, biến đổi gene diễn ra liên tục nhằm thúc đẩy sự tiến hóa làm cho con người thích nghi với những thay đổi của môi trường sống và sự biến đổi này đang tác động đến ít nhất 60% nhân loại. Trong quá trình này đã xuất hiện những biến đổi gene gây bệnh nhưng đáng tiếc là hiện nhân loại vẫn thiếu những thông tin thiết yếu về hậu quả những biến đổi gene, thậm chí nếu có cũng chưa được chia sẻ hay phổ biến rộng rãi.

Chính vì thế mà UNESCO đã hỗ trợ HVP nhằm phát huy tiềm năng của khoa học trong tìm kiếm các giải pháp khả thi và hiệu quả hơn để chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan biến đổi gene. Hiện dự án này đã quy tụ được hơn 700 nhà khoa học, nghiên cứu và các nhà thực hành lâm sàng của gần 70 nước trên khắp thế giới tại Trung tâm Nghiên cứu rối loạn gene ở Melbourne, Australia.

Trong khi đó, dù còn nhiều hạn chế, song giới y học toàn cầu những năm qua cũng đã chú trọng việc nghiên cứu, phát hiện cũng như tìm ra cách chữa cách bệnh liên quan tới biến đổi gene. Đáng kể nhất là việc các nhà khoa học Anh hồi cuối năm 2011 cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử y học thế giới, họ đã giải mã thành công sự biến đổi gene, tác nhân gây ra các bệnh ung thư da và phổi. 

Thành công trên được coi là một bước tiến lớn nhất 10 năm trở lại đây trong lĩnh vực nghiên cứu các căn bệnh ung thư, cũng như tạo ra bước đột phá trong y học nói chung. Các nhà khoa học cho biết, trong vòng 1 thập kỷ tới, tất cả các bệnh nhân ung thư sẽ có được bảng phân tích khối u của họ để tìm ra gene bị khiếm khuyết gây ra căn bệnh chết người này, để từ đó các bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị hữu hiệu nhất cho từng người bệnh. 

Tương tự, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Havard (Mỹ) cũng đã phát hiện được biến đổi gene T-87C trong cơ thể có khả năng giúp con người chống lại 2 căn bệnh đang gây tử vong nhiều nhất hiện nay là tim mạch và tiểu đường type 2. Từ phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã tìm cách tạo ra gene T-87C giúp người bệnh giảm được lượng mỡ trong máu, nhờ đó được bảo vệ chống lại các bệnh tim mạch và tiểu đường.

Tuy nhiên, theo giáo sư Richard Cotton - Giám đốc khoa học của HVP - thì thách thức phía trước vẫn còn rất lớn. Vì thế, HVP với sự hỗ trợ của    UNESCO sẽ nỗ lực thúc đẩy nhanh hơn sự tiếp cận và bình đẳng trong sử dụng các dữ liệu nghiên cứu về biến đổi gene thông qua việc xây dựng các quan hệ đối tác, tăng cường năng lực và nuôi dưỡng hợp tác giữa các trung tâm khoa học thế giới nhằm trao đổi các ý tưởng và dữ liệu về các bệnh có nguồn gốc từ biến đổi gene...