Bí quyết giúp Việt Nam lọt top 10 tăng trưởng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2020, dịch Covid-19 gây ra cú sốc lớn, làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu và nghiêm trọng. Đã hội nhập sâu với thế giới, kinh tế Việt Nam năm 2020 cũng phải hứng chịu những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm gần đây nhưng với nỗ lực phi thường, duy trì tăng trưởng dương (2,91%), Việt Nam đã lọt top 10 tăng trưởng cao của thế giới.
Các doanh nghiệp nỗ lực vượt bậc để không tăng trưởng âm trong nam 2020 Ảnh: ngọc quỳnh

Các doanh nghiệp nỗ lực vượt bậc để không tăng trưởng âm trong nam 2020 Ảnh: ngọc quỳnh

Biến “nguy” thành “cơ”, hoàn thành“mục tiêu kép”

Năm 2020, thế giới chứng kiến một vị khách “không mời mà đến” xông đất, đó là đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Không chỉ trực tiếp bị Covid-19 xâm nhập, Việt Nam với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng đã phải chịu tác động nặng nề. Những thông tin “xấu” liên tục đưa về: thị trường A tạm cấm biên, xuất nhập khẩu khó khăn; thị trường B người dân tạm ngừng mua sắm, để dành tiền cho các nhu cầu thiết yếu… Nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tình trạng hàng hóa khó xuất khẩu, rồi khó nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, hàng chục triệu lao động đứng trước nguy cơ thiếu việc làm…

Trước tình hình đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách linh hoạt để từng bước tháo gỡ khó khăn. Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 diễn ra đầu tháng 4-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quý I-2020, tăng trưởng của Việt Nam là 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, đây là mức tăng trưởng thấp, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành cần quyết tâm, chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ. Đặc biệt, phải chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ ở một số địa phương, một số ngành, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành bắt tay thực hiện “mục tiêu kép”: vừa ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự điều hành linh hoạt, thích nghi nhanh với điều kiện “bình thường mới”, Việt Nam đã thực sự biến “nguy” thành “cơ”. Cụ thể là nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất dần được giải quyết. Các doanh nghiệp, tiêu biểu là doanh nghiệp ngành dệt may đã nhanh chóng chuyển đổi từ xuất khẩu sản phẩm quần áo thành phẩm sang sản xuất, xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ để các thị trường phục vụ công tác phòng dịch...

Kết thúc năm 2020, Việt Nam lọt top 10 tăng trưởng cao của thế giới. Số liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê cho hay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV-2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Tính chung năm 2020, GDP tăng 2,91% (quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%). Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: “Tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam.

Mức tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Hai trụ cột chính của tăng trưởng

Cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế. Những con số thống kê cuối năm 2020 cho thấy, có rất nhiều động lực để năm 2020 tăng trưởng, trong đó việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và khơi thông dòng chảy của hàng hóa xuất khẩu là hai trụ cột lớn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), năm 2020, giải ngân đầu tư công năm 2020 ước đạt 389.000 tỷ đồng, đạt 82,8% so với kế hoạch. Đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%).

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho hay, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7-2020 đến hết năm đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt từ tháng 10, có 17 bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến 31-12-2020 đạt trên 80%. Tuy nhiên, vẫn có 13 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%.

Theo một chuyên gia kinh tế, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp ưu tiên và có tính khả thi nhất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Tương tự, ở hoạt động xuất nhập khẩu, năm 2020 chứng kiến hoạt động xuất nhập khẩu khó khăn chưa từng có. Nhưng với nỗ lực của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, kết quả của hoạt động này lại khiến bức tranh kinh tế Việt Nam thêm những gam màu sáng.

Ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm nay đã thiết lập kỷ lục mới với 543,9 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,1 tỷ USD, đây là mức cao nhất từ trước đến nay, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế năm 2020, đồng thời sẽ tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối trong bối cảnh Việt Nam cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trong năm 2021.

Bức tranh kinh tế - xã hội 2020 cho thấy, Việt Nam đã có sức chống chịu tốt và thành quả này sẽ làm các nhà đầu tư thế giới và Việt Nam lạc quan hơn vào triển vọng tương lai. Nền kinh tế đã sớm trở lại trạng thái bình thường mới và sự phục hồi kinh tế theo chữ V đã được khẳng định.

“Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và duy trì xuất siêu liên tiếp đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của cả nền kinh tế. Trên thực tế, bên cạnh việc khai thác tốt các thị trường truyền thống, thời gian qua, Việt Nam mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA và việc Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Tiến sĩ Phạm Tất Thắng (Chuyên gia thương mại cao cấp)

“Góp phần không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu năm 2020, là hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến. Ước tính, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức thành công trên 50 hội nghị quốc tế trực tuyến và trên 500 phiên giao thương trực tuyến, phủ khắp 5 châu với khoảng 100.000 lượt doanh nghiệp được kết nối”.

Ông Lê Hoàng Tài (Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương)