Bi kịch với những người phải chăm sóc người già ốm yếu ở Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo một nghiên cứu được công bố trong tháng 12-2023, trong vòng 10 năm từ 2011-2021, cứ 8 ngày lại có một người cao tuổi ở Nhật Bản bị chính thành viên trong gia đình của họ sát hại hoặc tự sát sau khi giết chết người thân mà họ đang chăm sóc. Đó là số liệu thống kê đáng báo động về hiện tượng được gọi là “sự mệt mỏi của người chăm sóc người già” ở Nhật Bản, nó có thể trở nên tồi tệ hơn trong những năm tiếp theo, khi tình trạng dân số già ở nước này còn tiếp diễn.
“Sự mệt mỏi của người chăm sóc người già” ở Nhật Bản có thể trở nên tồi tệ hơn trong những năm tiếp theo

“Sự mệt mỏi của người chăm sóc người già” ở Nhật Bản có thể trở nên tồi tệ hơn trong những năm tiếp theo

Nghiên cứu sử dụng nguồn truyền thông đã xác định, trong giai đoạn nói trên, 443 người tử vong trong 437 vụ giết người hoặc tự tử ở những người từ 60 tuổi trở lên cần được chăm sóc điều dưỡng. Vợ chồng chiếm 214 trường hợp và con cái của người già thực hiện 206 vụ tấn công. Khoảng 13 trường hợp liên quan đến anh chị em ruột sát hại nhau, 7 trường hợp cháu giết ông bà… “Có hai lý do chính dẫn đến những vụ giết người và tự sát liên quan này. Đầu tiên là gánh nặng chăm sóc một thành viên trong gia đình và thứ hai là các mối quan hệ trong gia đình”, bà Etsuko Yuhara, Giáo sư ngành phúc lợi xã hội tại Đại học Nihon Fukushi, tỉnh Aichi và là tác giả của nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu của bà Yuhara cho thấy, nhiều người cao tuổi cũng là người chăm sóc chính cho chồng hoặc vợ, nhưng họ bị cô lập và ngày càng trở nên bế tắc do những căng thẳng về kinh tế, thể chất hoặc cảm xúc. Không còn hy vọng rằng tương lai sẽ có điều gì tốt đẹp hơn, những người này rõ ràng đã quyết định giết những người thân của mình trước khi tự kết liễu đời mình.

Trung tuần tháng 12-2023, cảnh sát ở Tokyo đã bắt giữ ông Haruo Yoshida, 86 tuổi tại nhà sau khi ông này gọi điện trình báo rằng đã bóp cổ người vợ 81 tuổi của mình cho đến chết. Ông khai đã ra tay với bà Kyoko, chỉ vì quá mệt mỏi, muốn kết thúc việc chăm sóc người ốm. Nạn nhân vốn bị thương tật ở chân và không thể đi lại được khoảng một năm nay. Cặp vợ chồng sống với hai con trai, họ đi làm vào thời điểm mẹ họ qua đời.

Cũng trong tháng 12, một người đàn ông khác và vợ, cả hai đều 83 tuổi, được phát hiện đã chết ở thành phố Suita, tỉnh Osaka. Người đàn ông đã gửi cho con gái một tin nhắn ngay trước nửa đêm để nói rằng ông sắp tự tử. Khi cô đến nhà bố mẹ đẻ, mẹ cô đã chết và bố cô mất tích. Thi thể của người đàn ông được tìm thấy nằm trên mặt đất bên ngoài khu nhà. Hay hôm 1-12, cảnh sát tỉnh Miyagi đã bắt giữ Ichiaki Matsuda sau khi người ta tìm thấy mẹ ông ta bị bỏ rơi trên ghế đá công viên. Matsuda, một người thất nghiệp 57 tuổi, khai với cảnh sát rằng ông bị căng thẳng vì phải chăm sóc mẹ và thừa nhận đã để bà một mình. Bà Toki Matsuda, 86 tuổi, sau đó được xác định đã chết do tiếp xúc với giá lạnh kéo dài.

Đại dịch đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản bị quá tải và không có đủ trợ giúp cho những người được chăm sóc tại nhà. Bà Yoko Tsukamoto, Giáo sư tại Đại học Y Hokkaido, cho biết: “Vấn đề giết người chăm sóc đã xuất hiện ở Nhật Bản một thời gian, nhưng tôi cảm thấy rằng nó trở nên tồi tệ hơn trong thời gian phong tỏa vì đại dịch. Những người có lẽ đang phải vật lộn với hoàn cảnh của mình đột nhiên hoàn toàn bị cô lập và không thể tâm sự với ai”.

Trong khi đó, Giáo sư Yuhara cho rằng chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia vào lĩnh vực chăm sóc người già, vốn đang thiếu nhân viên có trình độ trầm trọng, một phần vì lương thấp và một phần tình trạng công việc không phải là điều nhiều người lựa chọn. Việc cải thiện mức lương và điều kiện nếu không thu hút được đủ lao động thì Nhật Bản nên mở cửa cho lao động nước ngoài.