Bệnh nhân liên cầu khuẩn tăng lại do chủ quan

Như ANTĐ đã đưa tin, từ cuối tháng 9 trở lại đây, số ca bị liên cầu khuẩn nhập viện trên địa bàn Hà Nội tăng mạnh. Ghi nhận tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho thấy, nguyên nhân chính là do người dân lại bắt đầu chủ quan sau một thời gian ngắn không có người mắc.

Bệnh nhân liên cầu khuẩn tăng lại do chủ quan

Như ANTĐ đã đưa tin, từ cuối tháng 9 trở lại đây, số ca bị liên cầu khuẩn nhập viện trên địa bàn Hà Nội tăng mạnh. Ghi nhận tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho thấy, nguyên nhân chính là do người dân lại bắt đầu chủ quan sau một thời gian ngắn không có người mắc.

BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân liên cầu khuẩn lợn

BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân liên cầu khuẩn lợn

Bệnh không có mùa

BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 40 ca mắc bệnh liên cầu lợn. Từ cuối tháng 9 đến nay, số ca mắc, nghi mắc liên cầu lợn nhập viện đã tăng thêm 10 trường hợp, trong đó tính đến ngày 22-10 vẫn còn 1 trường hợp rất nặng phải cấp cứu, dù đã qua 4 ngày điều trị và thở máy. Đó là bệnh nhân V.V.N (47 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội), nhập viện từ ngày 18-10 trong tình trạng sốt cao, sốc và trên tay, chân xuất hiện nhiều nốt ban hoại tử. Kể với chúng tôi, người nhà của bệnh nhân N. cho biết, anh N. có thói quen dăm ba hôm lại uống rượu lòng lợn tiết canh vào buổi sáng. Trước thời điểm phát bệnh, anh không nhớ cách đó mấy ngày đã ăn tiết canh.

Trao đổi với chúng tôi ngày 22-10, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, do bệnh nhân N. có các triệu chứng lâm sàng của bệnh liên cầu khuẩn lợn rất rõ nên ngay khi vào viện, các bác sĩ đã làm cấy bệnh phẩm cho bệnh nhân, kết quả cho dương tính với liên cầu khuẩn lợn. Tuy vậy, vì bệnh nhân vào viện muộn, bệnh đã tiến triển rất nặng nên công tác điều trị hết sức khó khăn. Đến nay, sau 4 ngày nhập viện, anh N. vẫn đang phải điều trị hồi sức tích cực do bị suy đa phủ tạng.

Ngoài trường hợp bệnh nhân N., thời điểm này trung bình mỗi ngày BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận vài trường hợp đến khám và điều trị với triệu chứng của bệnh liên cầu khuẩn lợn. Các bệnh nhân chủ yếu đến từ các quận, huyện của Hà Nội như: Hoàng Mai, Hoài Đức và Thường Tín. Qua điều tra dịch tễ ban đầu, hầu hết các trường hợp này đều có tiếp xúc với lợn mắc bệnh, ăn thịt lợn bị bệnh và sử dụng thực phẩm từ lợn chưa được chế biến kỹ, nhất là tiết canh lợn. Nhiều bệnh nhân thừa nhận, họ đã từng nghe nhiều đến bệnh liên cầu khuẩn lợn song do đã lâu không thấy có người mắc nên tưởng đã qua mùa dịch, từ đó xuất hiện tâm lý chủ quan. Theo bác sĩ Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn hầu như không có mùa dịch cụ thể mà gặp rải rác quanh năm.

Rất dễ lây

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân liên cầu khuẩn vẫn gia tăng là do dịch lợn tai xanh hiện vẫn đang bùng phát tại nhiều địa phương, trong khi ý thức phòng chống dịch bệnh của bản thân người chăn nuôi còn yếu kém. Theo các bác sĩ, bình thường vi khuẩn liên cầu cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh, khi con lợn nhiễm virus lợn tai xanh thì sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn. Trong khi đó, người nông dân cứ thấy con lợn có biểu hiện ốm là vội vàng bán thịt nên rất khó nhận biết thịt lợn bị bệnh hay không.

Bác sĩ Cấp cho biết, qua theo dõi các bệnh nhân tại BV cho thấy, thời gian từ khi tiếp xúc, ăn phải thịt lợn bệnh đến khi phát bệnh thường rất nhanh, thậm chí có những trường hợp được xác định phát bệnh chỉ sau hơn nửa ngày ăn thịt lợn bệnh. Nguy hiểm ở chỗ, liên cầu là bệnh rất dễ lây, không chỉ qua đường tiêu hóa (ăn phải thịt lợn, tiết canh lợn bệnh chưa được nấu chín) mà còn lây qua đường tiếp xúc (virus từ lợn có thể xâm nhập vào cơ thể người qua các vết xước trên da). Thực tế có không ít bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn trong quá trình tiếp xúc với lợn, làm thịt lợn, dù không ăn thịt lợn hay tiết canh lợn.

Điểm đáng chú ý nữa là người đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau. Vì vậy, để phòng chống được bệnh này thì biện pháp quan trọng nhất vẫn là mỗi người tự nâng cao ý thức phòng bệnh cho bản thân mình, không mua, sử dụng thịt lợn ôi, lợn nghi nhiễm bệnh, nhất là không ăn các thức ăn tươi sống chế biến từ thịt lợn.

Duy Tiến