Bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh "nấm đen" gia tăng nguy cơ tử vong

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại Ấn Độ đang xuất hiện một hiện tượng đáng lo ngại. Thông thường, quốc gia này ghi nhận chưa đến 20 ca bệnh nấm đen trong một năm, nhưng hiện nay số ca mắc bệnh này tăng đột biến. Thống kê đến ngày 22/5/2021 cho thấy, hơn 8.800 người ở Ấn Độ đã bị mắc bệnh nấm đen, đa phần là bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, trong đó 219 ca tử vong. Hiện 7 bang ở quốc gia này tuyên bố, nấm đen là dịch bệnh và kích hoạt các biện pháp khẩn cấp để ứng phó.

Những khu điều trị đặc biệt cho hàng nghìn ca mắc bệnh nấm đen

Nấm đen là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Nó được gây ra bởi một nhóm nấm mốc được gọi là mucormycetes hiện diện tự nhiên trong môi trường. Các chuyên gia từ đội đặc nhiệm Covid-19 cho biết nó chủ yếu ảnh hưởng đến những người đang dùng thuốc vì các vấn đề sức khỏe, làm giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Xoang hoặc phổi của những người này sẽ bị ảnh hưởng sau khi họ hít phải các bào tử nấm từ không khí. Các bác sĩ ở một số bang đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh nấm đen ở những người nhập viện hoặc đang hồi phục sau Covid-19, trong đó một số người cần phải phẫu thuật khẩn cấp.

Bệnh nhân bị nấm đen đang gia tăng chóng mặt ở Ấn Độ Ảnh: The Wall Strett Journal

Bệnh nhân bị nấm đen đang gia tăng chóng mặt ở Ấn Độ Ảnh: The Wall Strett Journal

Bác sĩ Anil Goyal (ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ) cho biết: “Bệnh thường gặp ở những bệnh nhân mắc Covid-19 và đã hồi phục được 2 tuần. Những người này bị suy giảm hệ miễn dịch, mắc tiểu đường và đã được dùng steroid nên nguy cơ mắc nấm đen cao hơn. Nấm đen không phải là một bệnh truyền nhiễm. Một người có thể mắc bệnh từ môi trường nhưng họ không thể truyền bệnh cho người khác”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố: “Nấm đen là một thách thức mới nổi lên trong cuộc chiến với Covid-19. Chúng ta cần cảnh giác và sẵn sàng đối phó”.

Hiện thủ đô New Delhi và các thành phố lớn khác đã phải mở những khu điều trị đặc biệt cho hàng nghìn ca mắc bệnh này. Cuộc chiến chống Covid-19 tại Ấn Độ đang trở thành “cuộc chiến kép”, vừa chống virus SARS-CoV-2 vừa chống bào tử nấm gây bệnh nấm đen ở người.

Một khu điều trị bệnh nhân bị nấm đen ở Ấn Độ Ảnh: The Hindu

Một khu điều trị bệnh nhân bị nấm đen ở Ấn Độ Ảnh: The Hindu

Điều gì xảy ra khi một người nhiễm bệnh?

Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm đau và đỏ quanh mắt hoặc mũi, kèm theo sốt, nhức đầu, ho, khó thở, nôn ra máu và trạng thái tinh thần thay đổi. Theo lời khuyên, nên nghi ngờ nhiễm trùng nấm đen khi có các triệu chứng:

- Viêm xoang - tắc hoặc nghẹt mũi, chảy nước mũi (hơi đen / có máu);

- Đau cục bộ trên xương má, đau một bên mặt, tê hoặc sưng tấy;

- Đổi màu đen trên sống mũi / vòm miệng;

- Lệch răng, dính hàm;

- Nhìn mờ hoặc nhìn đôi kèm theo đau;

- Huyết khối, hoại tử, tổn thương da;

- Đau ngực, tràn dịch màng phổi, làm nặng hơn các triệu chứng hô hấp.

Nguyên nhân?

Theo các bác sĩ bệnh viện Ganga Ram ở Thủ đô New Delhi, một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhiễm nấm gia tăng có thể là do lạm dụng quá nhiều thuốc sreroid trong việc điều trị bệnh Covid-19 cho những bệnh nhân bị tiểu đường. Một nguyên nhân nữa là những bệnh nhân Covid-19 có khả năng miễn dịch kém nên có nguy cơ nhiễm nấm đen cao hơn.

Bên trong một bệnh viện điều trị bệnh Covid-19 ở Thủ đô New Delhi

Bên trong một bệnh viện điều trị bệnh Covid-19 ở Thủ đô New Delhi

“Theo báo cáo trên khắp Ấn Độ, gần 85% bệnh nhân nhiễm nấm đen sau khi mắc Covid-19 đều có tiền sử lượng đường trong máu cao và sử dụng liều lượng steroid lớn”, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bác sỹ Atul Patel nói.

Các loại thuốc steroid giá rẻ được sử dụng để làm dịu phản ứng viêm quá mức do virus SARS-CoV-2 nhưng đồng thời cũng làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, cộng thêm việc kiểm soát nhiễm trùng không tốt trong các bệnh viện cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân Covid-19 bị nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn và nấm.

Tuy nhiên, giữa tình trạng thiếu hụt thuốc men đang diễn ra trên Ấn Độ, người ta sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có được thuốc. Nhưng các bệnh nhân đến từ các vùng nông thôn nghèo khó cũng không thể tiếp cận được vì quá đắt đỏ và nhiều trường hợp nhiễm nấm cũng không thể điều trị bằng các loại thuốc thông thường.

Điều trị như thế nào?

Bệnh nấm đen thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Tuy nhiên nhiều trường hợp phải phẫu thuật.Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát bệnh tiểu đường, giảm sử dụng steroid và ngừng thuốc điều hòa miễn dịch. Để duy trì đủ nước toàn thân, cần điều trị bao gồm truyền nước muối thông thường trước khi truyền amphotericin B và liệu pháp kháng nấm, ít nhất 4-6 tuần.

Ấn Độ đang phải đối mặt “cuộc chiến kép”, vừa chống virus SARS-CoV-2 vừa chống bào tử nấm gây bệnh nấm đen ở người. Ảnh: The Wall Strett Journal

Ấn Độ đang phải đối mặt “cuộc chiến kép”, vừa chống virus SARS-CoV-2 vừa chống bào tử nấm gây bệnh nấm đen ở người. Ảnh: The Wall Strett Journal

Các chuyên gia trong lực lượng đặc nhiệm Covid-19 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát lượng đường huyết và theo dõi mức đường huyết sau khi xuất viện đối với bệnh nhân Covid-19, và cả ở bệnh nhân tiểu đường. Nên sử dụng steroid một cách thận trọng - đúng thời điểm, đúng liều lượng và thời gian.

Làm thế nào có thể phòng bệnh?

Bệnh nấm đen là một căn bệnh hiếm gặp. Tuy nhiên, một số nhóm người dễ bị tổn thương hơn những nhóm khác. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được, ức chế miễn dịch bằng steroid, thời gian nằm ICU kéo dài và các bệnh đi kèm - sau ghép tạng/ bệnh ác tính. Các chuyên gia khuyên nên sử dụng khẩu trang nếu bạn đang đến các công trường xây dựng nhiều bụi. Mang giày, quần áo dài tay và găng tay trong khi làm vườn. Giữ vệ sinh cá nhân bao gồm cả việc tắm rửa kỹ lưỡng.

Bệnh nấm đen xuất hiện sau khi bệnh nhân mắc Covid-19 hồi phục sau 2 tuần Ảnh: The Wall Strett Journal

Bệnh nấm đen xuất hiện sau khi bệnh nhân mắc Covid-19 hồi phục sau 2 tuần Ảnh: The Wall Strett Journal

Bệnh nấm đen gây ra hậu quả gì?

Bệnh nấm đen có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác nhau tùy thuộc vào vị trí nấm đen có thể lây lan trong cơ thể. Trong một số trường hợp, bệnh nhân nhiễm nấm có thể phải cắt bỏ mũi, xương hàm và cũng có thể mất thị lực vĩnh viễn. Tỷ lệ tử vong đối với những bệnh nhân bị nấm lan lên não là khoảng 50%. Theo tờ Navbharat Times của Ấn Độ, trong một tháng qua, gần 150 ca phẫu thuật bệnh nhiễm nấm đen đã được tiến hành ở Gujarat.