Bầu cử Tổng thống Mỹ: Gió đang đổi chiều?

ANTĐ - Sau những cuộc đua tranh quyết liệt kéo dài tới nửa năm trong nội bộ hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đã chính thức trở thành ứng cử viên của hai đảng này tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong quá trình diễn ra chiến dịch bầu cử sơ bộ, ông Donald Trump luôn bị đánh giá thấp hơn bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất cho thấy dường như gió đang đổi chiều, với việc lần đầu tiên vị tỷ phú bất động sản vươn lên dẫn điểm trước cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ trong một cuộc thăm dò dư luận. 

Tỷ phú lần đầu dẫn điểm

Ngày 26-7, bà Clinton đã chính thức trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới, đồng thời trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử giành tấm vé ứng cử viên của một đảng lớn tại Mỹ ra tranh cử Tổng thống.

Tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ, các đại biểu của bang Nam Dakota đã dành cho bà Clinton 15 phiếu ủng hộ, bảo đảm cho bà Clinton có đủ 2.383 phiếu cần thiết để trở thành ứng cử viên của đảng này.

Như vậy, sau cuộc đua tranh căng thẳng với Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, bà Clinton đã chiến thắng để trở thành đối thủ của ứng cử viên bên phía Đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử vào ngày 8-11 tới.

Theo kết quả thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos công bố ngay trong ngày 26-7, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump đang vượt lên dẫn trước 2 điểm phần trăm so với ứng cử viên của Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Hãng tin Reuters cũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên kể từ hồi đầu tháng 5 ông Trump dẫn trước bà Clinton trong các cuộc thăm dò dư luận. 39% số người được hỏi cho biết sẽ ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống, trong khi số cử tri ủng hộ bà Clinton là 37%. 24% số cử tri còn lại nói rằng họ sẽ không ủng hộ cả hai ứng cử viên này. 

 Trong thực tế, các ứng cử viên Tổng thống thường giành được thêm sự ủng hộ của cử tri sau Đại hội toàn quốc của mỗi đảng và khoảng cách chênh lệch 4 điểm phần trăm được coi là không chắc chắn vì cử tri thường có sự khủng hoảng về lòng tin.

Kết quả chênh lệch 2% giữa ông Trump và bà Clinton nằm trong khoảng cách đó, điều này còn có nghĩa là hai ứng cử viên cần tính đến khả năng có số phiếu ủng hộ bằng nhau. Trong cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 22-7, bà Clinton đã dẫn trước ông Trump 3 điểm phần trăm - cũng nằm trong khoảng cách không chắc chắn.

Trên thực tế, bà Clinton luôn dẫn điểm trước ông Trump trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ nhà tài phiệt này đã đảo chiều kể từ khi ông chấp nhận đề cử làm ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa tại Đại hội toàn quốc đảng này ở Cleveland từ ngày 18 đến 21-7.

Đảng Dân chủ lao đao vì vê bối E-mail rò rỉ

Rõ ràng là con đường để vị cựu đệ nhất phu nhân trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ vẫn còn rất nhiều chông gai và thách thức. Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ diễn ra đúng một tuần sau Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa.

Chưa bao giờ Đảng Dân chủ lại rơi vào tình huống khó khăn đến vậy. Chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Đảng Debbie Wasserman Schultz phải từ chức ngay trước thềm đại hội, sau khi trang mạng Wikileaks tiết lộ các E-mail bị rò rỉ cho thấy các lãnh đạo đảng này đã thiên vị bà 

Clinton so với Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tại vòng bầu cử sơ bộ. Nhiều người đã đặt câu hỏi về độ tin cậy và sự trung thực của bà Clinton, nhất là khi bà từng bị vướng vào bê bối sử dụng E-mail cá nhân để xử lý việc công khi còn giữ cương vị Ngoại trưởng. Phe phản đối cho rằng bà không đủ sự cứng cỏi để giữ vị trí lãnh đạo đất nước và bà sẽ bước vào Nhà Trắng với hành trang chính trị lỗi thời của chồng mình là cựu Tổng thống Bill Clinton.

Vụ rò rỉ E-mail đã giáng một đòn nặng vào nỗ lực của Đảng Dân chủ trong việc phác họa một bức tranh đoàn kết và ổn định nội bộ, tương phản với sự chia rẽ sâu sắc trong Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, nhờ xử lý kịp thời và cùng các diễn giả uy tín như vợ chồng đương kim Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden..., ngày hội chính trị của Đảng Dân chủ đã diễn ra suôn sẻ.

Đáng chú ý là vai trò quan trọng của Thượng nghị sĩ Sanders khi ông quyết định đặt sự đoàn kết, thống nhất của Đảng Dân chủ lên trên lợi ích cá nhân và kêu gọi những người có cảm tình với ông quay sang ủng hộ bà Clinton.

Trong khi đó, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã có bài phát biểu lay động lòng người khi đề cập đến những giá trị gia đình, ca ngợi bà Clinton đã “cống hiến cả cuộc đời cho trẻ em” - tương lai của nước Mỹ, đồng thời gián tiếp phản bác lại khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump.

Tổng thống Obama cũng dành những lời tốt đẹp ca ngợi người đứng đầu ngành Ngoại giao nhiệm kỳ đầu của ông khi nhấn mạnh không một ai hội tụ đủ các phẩm chất và kinh nghiệm để đảm nhiệm cương vị Tổng thống hơn bà Clinton vào thời điểm hiện nay. Ông cũng chỉ rõ khoảng cách giữa một người có kinh nghiệm dày dặn như bà Clinton với đối thủ Trump.

Tất cả các phát biểu tại đại hội đều cho thấy hầu hết các lãnh đạo Đảng Dân chủ đều thống nhất dành sự ủng hộ tuyệt đối cho bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Từ nay đến khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn hơn 3 tháng. Chắc chắn khi đó cả bà Clinton và ông Trump đều sẽ còn tung ra nhiều chiêu bài chính trị để hạ uy tín lẫn nhau nhằm giành lợi thế cho mình.

Trong giai đoạn nước rút này, chỉ cần một sơ suất nhỏ, ứng cử viên nào cũng có thể sẽ phải hứng chịu thất bại đau đớn do bị đối thủ lợi dụng sơ hở để tấn công. Chính vì vậy, cuộc đua tranh chức Tổng thống Mỹ gần như chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra gay cấn và hấp dẫn đến khi có kết quả bầu cử, giống như sự hấp dẫn và gay cấn thường thấy của những cuộc đua vào Nhà Trắng trước đây.