Bất an vì tin nhắn rác, cuộc gọi rác

ANTD.VN - Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt xử lý sim rác, nhằm giảm thiểu các tin nhắn, cuộc gọi rác, quảng cáo hay những cuộc gọi mạo danh, lừa đảo. Thế nhưng, vấn nạn này chỉ thuyên giảm phần nào. Bởi, trên thực tế, nhiều người dân vẫn bức xúc khi nhận được những tin nhắn, cuộc gọi làm phiền mỗi ngày.

Cặp vợ chồng này năm nay 75 tuổi, trú ở quận Long Biên, Hà Nội. Cách đây không lâu, ông bà bị 3 đối tượng lạ mặt liên tục thay nhau gọi điện thoại gây áp lực.

Nhóm người tự xưng cán bộ Công an, thông báo bà có một tài khoản ngân hàng đang bị nợ hơn 60 triệu đồng. Từ cuộc gọi này, các đối tượng tiếp tục thông báo ông bà và người nhà có liên quan đến đường dây mua bán ma tuý. Để chứng minh vô tội, nhóm người lạ mặt yêu cầu ông bà chuyển khoản hơn 3 tỷ đồng và không được để cho người khác biết.

Tinh vi hơn, các đối tượng còn dùng phần mềm Deepfake, gọi video qua zalo, đặt tên hiển thị zalo là số điện thoại đường dây nóng của Công an TP Hà Nội để tạo sự tin tưởng. Không một chút nghi ngờ, đôi vợ chồng này đã đến ngân hàng làm thủ tục rút 2 sổ tiết kiệm 3 tỷ 98 triệu đồng. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, nhân viên ngân hàng đã kéo dài thời gian và cùng lực lượng công an ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo, bảo vệ được tài sản lớn của người dân.

Chị Nguyễn Thị Hương cũng bày tỏ nhiều bức xúc trước vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Chị không hiểu vì lý do gì mà thường xuyên bị những người không quen biết, nhắn tin, gọi điện mời chào mua hàng, làm cộng tác viên bán hàng, chào bán các dự án bất động sản.

Không chỉ người dân bình thường, nhiều người làm việc trong cơ quan nhà nước, am hiểu pháp luật cũng bị các đối tượng lừa đảo nhắn tin, gọi điện mỗi ngày với nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi.

Dù không hề mong muốn, nhưng bằng cách nào đó, số điện thoại và thông tin cá nhân của người dân vẫn bị các đối tượng lừa đảo sở hữu. Và cũng từ đây, đủ chiêu trò, thủ đoạn được tung ra để dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin tự rơi vào bẫy… Bức xúc, lo lắng là thế, nhưng người dân không biết làm gì khác ngoài một mình chịu trận và loay hoay với câu hỏi “khi nào trở thành nạn nhân tiếp theo”…