Bão số 2 đổ bộ Hải Phòng

ANTĐ - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sau khi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão số 2 (tên quốc tế là Bebinca) đã vòng chúc xuống phía nam đảo Bạch Long Vỹ, rồi lại đổi hướng, ngược lên nhằm vào đất liền. Khi đi sâu vào vịnh Bắc bộ, tốc độ bão đã chậm lại chỉ còn khoảng 10km/giờ. 

Từ chiều tối 23-6, bão số 2 đã gây mưa to, sóng lớn tại Hải Phòng

Tuy nhiên, trước khi chạm vào đất liền, hoàn lưu của bão với đĩa mây rộng bao phủ kín cả miền Bắc, miền Trung và vịnh Bắc bộ đã gây ra một đợt mưa to, kéo dài trên diện rộng. 

Bão số 2 đã gây từng đợt mưa rả rích tại Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương ở miền Bắc. Còn tại miền Trung, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70-120mm, một số nơi có mưa to hơn như Con Cuông (Nghệ An): trên 122mm, Đô Lương (Nghệ An) 240mm, Hòn Ngư (Nghệ An) 294mm, TP Vinh 289mm, TP Hà Tĩnh 284mm…

Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật trên cấp 6. Một số nơi có gió mạnh hơn như Cửa Ông (Quảng Ninh), đảo Hòn Dấu (Hải Phòng), Văn Lý (Nam Định), Thái Bình, Hòn Ngư (Nghệ An) đạt cấp 8… Còn ngoài vịnh Bắc bộ, nơi bão đi qua, bao gồm cả các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Bạch Long Vỹ… có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 11, cấp 12. Biển động mạnh. 

Mặc dù chỉ là cơn bão nhẹ, song để chủ động ứng phó với bão, ngày 22 và 23-6, tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… chính quyền địa phương đã chủ động sơ tán dân, đưa toàn bộ tàu thuyền về nơi tránh, trú bão. Từ sáng 23-6, tại nhiều nơi đã có mưa lớn, gió giật mạnh. Đến chiều 23-6, Hải Phòng và Quảng Ninh đã hoàn thành sơ tán dân khỏi những vùng nuôi thủy sản, vùng xung yếu, đồng thời lập các chốt kiểm soát không để người dân ra biển. Tại tỉnh Thái Bình, Ban chỉ huy PCLB các huyện, thị xã ven biển đã sơ tán toàn bộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Gần 1.200 phương tiện đường thủy của tỉnh Thái Bình cũng kịp thời di chuyển vào nơi neo đậu an toàn. UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo lệnh cấm biển tại hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Tại tỉnh Nam Định, lực lượng chức năng cũng đã hoàn thành việc di chuyển người già, phụ nữ mang thai và trẻ em ở những vùng đê biển xung yếu, cửa sông, ven biển, các chòi canh thủy sản vào trong đất liền để đảm bảo an toàn.  

Hoạt động du lịch trên các bãi tắm ở Nam Định và Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng được kiểm soát chặt chẽ. Từ trưa 23-6, việc vận chuyển khách du lịch qua lại giữa đảo Cát Hải, Cát Bà (Hải Phòng), Cô Tô, Minh Châu-Quan Lạn (Quảng Ninh) và đất liền cũng phải tạm dừng chờ bão tan. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô, hơn 1.000 khách du lịch đang tham quan trên đảo đã được đưa vào đất liền. 

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương cho biết, rạng sáng nay 24-6, bão sạt vào đất liền, rồi trượt từ Hải Phòng tới Quảng Ninh, thành một vùng áp thấp sang Trung Quốc. Cụ thể, đến 1 giờ sáng 24-6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ. Theo ông Bùi Minh Tăng, mặc dù bão số 2 có đường di chuyển khá giống với bão Sơn Tinh năm 2012 nhưng yếu hơn. Sáng hôm nay, từ vĩ tuyến 18 trở ra phía Bắc sẽ nằm trong vùng hoàn lưu của bão. Gió mạnh ở vùng biển từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa và sẽ còn gió mạnh tới chiều nay, 24-6.

 Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh ven biển Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to từ 30mm-100mm. Sau đó, vùng mưa lan ra Bắc bộ. Vùng mưa lớn có thể lên tới 200-400mm tại các tỉnh từ Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang. 

Hà Nội được dự báo sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa. Theo dự báo, khu vực Hà Nội sẽ có lượng mưa từ 50-100mm. Tuy nhiên, khó có thể xảy ra những trận mưa lớn, kéo dài gây ngập lụt nghiêm trọng. Trong khi đó, vào sáng qua, tại điểm K5+300, trên đê Hữu Hồng, xã Liên Mạc (huyện Từ Liêm) đã xuất hiện cung sạt mái đê ở phía Đông, cao trình +15m, kích thước dài 2,5m, sạt sâu khoảng 1m. Ngay sau sự cố xảy ra, Ban chỉ huy PCLB huyện Từ Liêm và Hạt Quản lý đê số 1 đã tiến hành xử lý xong sự cố, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn đê điều.

Để chủ động đối phó với tình hình mưa lớn gây ngập, Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan chủ động các phương án đối phó với bão số 2, duy trì lực lượng phương tiện cứu hộ cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Các ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, kiên quyết sơ tán nhân dân khu vực có nguy cơ sạt lở và các khu nhà nguy hiểm đến nơi an toàn; kiểm tra rà soát các công trình chống úng ngập, giải tỏa các vật cản, triển khai các biện pháp tăng cường tiêu thoát nước chống úng ngập khu vực nội thành; có giải pháp cụ thể đối với từng điểm thường xuyên úng ngập cục bộ….