Báo Mỹ nêu tên 5 khách hàng tiềm năng nhất của tiêm kích Su-30SM2

ANTD.VN - Nga mới đây đã cho ra mắt phiên bản nâng cấp của Su-30SM, đó chính là tiêm kích Su-30SM2 với những tính năng kỹ chiến thuật nổi trội.

Tạp chí Military Watch của Mỹ đã đưa ra danh sách một vài khách hàng tiềm năng của tiêm kích Su-30SM2 nâng cấp do Nga chế tạo, trong đó phần lớn là những quốc gia thuộc châu Á và châu Phi.

Tiêm kích hạng nặng Su-30SM đã trở thành sản phẩm bán chạy hàng đầu thế giới và giữ vai trò tiêm kích chủ lực của Quân đội Nga: hơn 550 chiếc đã được bán ra nước ngoài, khoảng 150 chiếc đang phục vụ trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga và Hải quân Nga.

Su-30SM dựa trên khung máy bay Su-27 rất thành công, ứng dụng thêm công nghệ hiện đại và cách bố trí hai chỗ ngồi cho phép nó tấn công các mục tiêu trên không và trên mặt đất một cách hiệu quả như nhau.

Dựa trên thành công này, các kỹ sư Nga đã cho ra đời một gói nâng cấp mạnh mẽ dành cho Su-30SM với tên định danh Su-30SM2, cải tiến bao gồm động cơ mới, radar mạnh hơn và khả năng sử dụng vũ khí tối tân như tên lửa Kh-59 và bom dẫn đường.

Tạp chí Military Watch viết: "Trong khi chiếc Su-30 SM2 đang được đưa vào trang bị cho các trung đoàn không quân của Nga thì 5 quốc gia sau đây có thể sẽ là chủ sở hữu tiếp theo của nó".

Ấn Độ là nhà khai thác Su-30 lớn nhất thế giới, với hơn 270 máy bay loại này và đang đặt hàng một lô mới (hợp đồng cuối cùng được ký vào năm 2020). Tuy nhiên những chiếc Su-30MKI đầu tiên đã trở nên lỗi thời so với tiêm kích mới nhất của Trung Quốc và Pakistan.

Việc lắp đặt động cơ AL-41F1S mạnh hơn và radar Irbis sẽ giúp Ấn Độ có phương tiện tác chiến sánh ngang với J-16, J-20 của Trung Quốc cũng như JF-17 Block3 và J-10C của Pakistan.

Hơn nữa, radar mới sẽ cho phép Su-30SM2 sử dụng tên lửa không đối không R-77M và R-37M thế hệ mới, trong khi Su-30MKI trước đây không có khả năng mang theo vũ khí này.

Algeria là quốc gia lớn nhất và được trang bị vũ khí tốt nhất ở châu Phi, họ có phi đội Su-30MKA với hơn 70 chiếc. Do từ chối mua Su-35, việc sắm Su-30SM2, nhờ sự tương đồng cao với Su-30MKA sẽ mang lại sự cải thiện cần thiết về năng lực tác chiến.

Đồng thời, các cuộc đàm phán về việc nước này mua tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57 vẫn chưa dừng lại, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra vào cuối thập kỷ và khó có khả năng giao hàng trên quy mô lớn.

Rất có thể, trước hết một phi đội Su-30SM2 sẽ được thành lập để thay thế các tiêm kích đánh chặn MiG-25, và việc hiện đại hóa phi đội Su-30MKA sẽ cung cấp khả năng sử dụng tên lửa mới của Nga để chống lại máy bay chiến đấu tàng hình.

Tiêm kích Su-30MKM của Không quân Malaysia được coi là chiến đấu cơ hàng đầu Đông Nam Á. Nhưng nước láng giềng Singapore đang tích cực nâng cấp các máy bay F-16, trang bị cho chúng radar AESA và đặt hàng F-35.

Do đó cán cân quyền lực không có lợi cho Malaysia, cho đến khi mua được Su-57, việc hiện đại hóa phi đội Su-30MKM sẽ còn phải trải qua một chặng đường dài để hướng tới việc duy trì sức mạnh ngang hàng với Singapore.

Giống như Ấn Độ, Việt Nam cũng đang có nhu cầu nâng cấp phi đội Su-30MK2 của mình. Mặc dù được coi là khách hàng tiềm năng của Su-57, nhưng việc cập nhật phi đội Su-30 với động cơ, radar và vũ khí mới là cách hiệu quả nhất để duy trì khả năng tác chiến.

Tiêm kích Su-30SM2 với cấu hình 2 phi công điều khiển còn tỏ ra đặc biệt phù hợp với Việt Nam so với loại Su-35S hay Su-57 được thiết kế với buồng lái một người ngồi.

Cuối cùng là Belarus, đồng minh và láng giềng phía Tây của Nga có một phi đội Su-30SM và dự kiến ​​sẽ mua máy bay mới để thay thế hai phi đội MiG-29 đã cũ.

Việc mua sắm phiên bản Su-30SM2 hiện đại hóa sẽ là động lực mạnh mẽ để Belarus quyết tâm nâng cấp các máy bay chiến đấu Su-30SM hiện có lên tiêu chuẩn nói trên.

Bất chấp thực tế là đối thủ Ba Lan đã đặt mua các máy bay chiến đấu tàng hình F-35, kinh tế của Belarus khó có thể đủ để mua Su-35 hoặc Su-57 ngay cả với giá đặc biệt "hữu nghị". Xét về khía cạnh này, Su-30SM2 có vẻ như là lựa chọn tối ưu để phát triển phi đội.